Môi trường - Tài nguyên

Kon Tum: Kết quả sau 7 ngày áp dụng luật mới vào phân loại rác thải tại nguồn

Tuấn Anh 07/01/2025 16:32

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 01/01/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, dân số tăng nhanh, chất lượng sống nâng cao nên sức tiêu thụ, nhu cầu sử dụng các vật dụng phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày tăng, kéo theo đó là lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt gia tăng. Trong số những loại rác thải rắn sinh hoạt mà các hộ gia đình thải ra hằng ngày có rất nhiều loại khác nhau, có loại rác thải hữu cơ dễ bị phân hủy như rau củ, thức ăn dư thừa, có những loại rác thải như nilon, thùng nhựa, hộp carton, giấy, sắt thép có thể tái sử dụng, tái chế và cũng có những loại rác thải vô cơ không có khả năng tái sử dụng, tái chế như thủy tinh, quần áo cũ, xương động vật, xỉ than…

Dù có nhiều loại rác thải khác nhau nhưng có một thực tế là bấy lâu nay, các hộ gia đình chưa có những kiến thức cơ bản để phân biệt được đâu là rác thải hữu cơ, vô cơ, tái chế, cũng chưa có thói quen và cũng chưa tiến hành phân loại rác thải rắn tại nguồn. Các hộ gia đình bỏ tất cả các loại rác lẫn lộn chung vào một bì, một thùng, rồi đơn vị thu gom tiến hành chôn lấp, xử lý cùng như nhau ở một chỗ.

z5980876786498_b2818d7d63342afb9c510e9c34e49247.jpg
Cần chung tay phân loại rác thải tại nguồn.

Hiện tại, quy định phân loại rác thải tại nguồn ở thành phố Kon Tum đã được triển khai. Ông Trương Cảnh Vinh – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị - đơn vị trực tiếp thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Kon Tum cho biết: Công tác triển khai phân loại rác thải tại nguồn có kế hoạch từ ngày 02/10/2024, được đưa vào áp dụng thí điểm từ ngày 10/10/2024 và áp dụng chính thức từ ngày 01/1/2025. Đây không phải là công tác dễ dàng thực hiện trong ngày một ngày hai, mà cần phải thay đổi từ nhận thức đến thói quen, sau đó là trách nhiệm của người dân đối với môi trường.

Theo thực tế, dù địa phương đã nỗ lực truyền thông về công tác phân loại rác thải đến với người dân, nhưng vẫn có nhiều hộ gia đình chưa nắm bắt để thực hiện.

Bà V.T.T (sinh sống tại Tổ 4, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) cho biết: “Xưa giờ thì gia đình tôi tự ý thức việc phân loại rác thải. Hiện tại, tôi chưa thấy ai đến nhà để tuyên truyền về công tác này hay phương án xử phạt ra sao. Cách phân loại của gia đình tôi là chia ra nhiều loại, rác thải từ giấy, vỏ, chai thì tôi đem đi bán, rác thải từ thức ăn thừa thì tận dụng để cho vật nuôi ăn, rác không tái chế được như bì nilong thì dồn lại một nơi để công nhân tới thu dọn… Tôi cảm thấy việc phân loại rác không khó khăn, chỉ là do ý thức của mỗi cá nhân hay mỗi gia đình như thế nào thôi…”.

Hay bà N.N.T.D (sinh sống ở phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: "Tôi vẫn chưa nghe về thông báo phải phân loại rác thải tại nguồn. Hiện tại nhà tôi chia rác làm 2 loại là rác chung và rác từ thức ăn. Sau khi biết về thông tin này thì tôi sẽ lên internet để tìm hiểu để chia rác theo đúng phân loại của nó và góp phần chung tay bảo vệ môi trường".

Theo quy định về phân loại rác tại nguồn, việc phân loại rác là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà. Hộ gia đình không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định và không sử dụng bao bì chưa chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, ngày 07/7 của Chính phủ).

Phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị. Hãy đưa rác ra đường, vỉa hè đúng giờ quy định từ 19h- 21h (Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, ngày 07/7 của Chính phủ).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kon Tum: Kết quả sau 7 ngày áp dụng luật mới vào phân loại rác thải tại nguồn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.