Bảo vệ môi trường

Vĩnh Phúc: Nhân rộng mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn

Thanh Thanh 19/10/2024 09:30

Với mục tiêu đến ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh được phân loại tại nguồn, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương tích cực tổ chức triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn.

Theo đó, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở 4 xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên.

Từ quý I đến quý IV/2024, thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và tại các Làng văn hóa kiểu mẫu, từ đó nhân rộng và thúc đẩy các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại khu dân cư, nơi công cộng, cơ quan...

Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, đến nay mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở xã Liên Châu (Yên Lạc) đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Sau khi được tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ men vi sinh, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tái sử dụng rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, vừa giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

capture(5).png
Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương tích cực tổ chức triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn

Giúp người dân nắm được cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt; biện pháp tái chế, tái sử dụng rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh, tháng 6/2024, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường - Sở Tài Nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho gần 200 người dân trên địa bàn xã Liên Châu. Đồng thời hỗ trợ chế phẩm sinh học cho tất cả các hộ dân đăng ký để xử lý chất thải thực phẩm.

Tại Vĩnh Tường, UBND huyện tổ chức triển khai, ban hành các kế hoạch, văn bản thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tổ chức các chương trình, chiến dịch tăng cường phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế rác thải nhựa, đồ dùng một lần. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ưu tiên bố trí kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch để tạo bước chuyển biến tích cực về môi trường, nhất là bố trí kinh phí cho việc học tập, triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ thiết bị phân loại rác; kinh phí triển khai mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

Từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho gần 200 hộ dân; triển khai thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng và thôn Mới, xã Tân Tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động tái chế, biến rác thải trở thành tài nguyên.

Hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, đề án, quy định, kế hoạch chỉ đạo tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường cho cán bộ chuyên môn cấp xã, cấp thôn, người thu gom chất thải rắn sinh hoạt, người dân, học sinh về việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ rác thải được phân loại tại nguồn còn thấp. Phần lớn lượng rác phát sinh được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; một phần xử lý bằng phương pháp đốt bằng lò đốt quy mô cấp xã và tại Nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc.

Để việc phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh sớm được thực hiện thì việc nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn sẽ giúp người dân hình thành thói quen trong công tác bảo vệ môi trường, tái chế, tái sử dụng chất thải thành tài nguyên có ích. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật trong xử lý rác thải cũng cần được quan tâm, đầu tư, thực hiện đồng bộ.

Bài liên quan
  • Thái Nguyên: Nhiều chuyển biến trong phân loại rác thải tại nguồn
    Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phân loại rác thải tại nguồn. Nhờ sự vào cuộc tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chức năng, người dân ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã quen dần với việc phân loại rác thải tại nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vĩnh Phúc: Nhân rộng mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.