Thái Nguyên: Nhiều chuyển biến trong phân loại rác thải tại nguồn
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phân loại rác thải tại nguồn. Nhờ sự vào cuộc tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chức năng, người dân ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã quen dần với việc phân loại rác thải tại nguồn.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, huyện Đại Từ là một trong những địa phương thực hiện công tác thu gom rác thải sinh hoạt khá tốt. Địa phương đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ, rác thải và điều chỉnh, mở rộng diện tích bãi rác lên hơn 14ha. Hiện nay, 29/29 xã, thị trấn trên địa bàn đều thực hiện thu gom, vận chuyển rác đến khu xử lý rác thải sinh hoạt của huyện (tại xã Bình Thuận) để xử lý.
Ông Phạm Lê Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý vệ sinh môi trường đô thị huyện Đại Từ chia sẻ, hằng ngày khu xử lý rác thải số 1 của huyện tiếp nhập khoảng 45 tấn rác. Sau khi đưa về, rác được rắc vôi, phun chế phẩm sinh học khử khuẩn, lấp đất nên không phát sinh mùi hôi thối và côn trùng. Bên cạnh đó, nước rỉ thải cũng được xử lý sinh hóa, đảm bảo tiêu chuẩn cột A (có thể sử dụng sản xuất nước sinh hoạt) trước khi thải ra môi trường.
Nhằm giảm thiểu khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường, gây quá tải cho khu xử lý rác thải, Đại Từ đang đẩy mạnh việc phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó, tập trung triển khai hỗ trợ các mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở những khu dân cư tập trung để lan tỏa, nhân rộng; khuyến khích công nhân thu gom tận thu các loại rác có thể tái chế (chai nhựa, giấy vụn…) trong quá trình thực hiện công việc.
Không chỉ ở Đại Từ, tại nhiều vùng nông thôn của tỉnh, việc thu gom xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được triển khai phù hợp với điều kiện thực tế nên có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Âu Văn Được, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Định Hóa), chia sẻ, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã đã triển khai thu gom rác thải sinh hoạt tại 8 xóm gần trung tâm và những xóm nằm dọc đường tỉnh 264B để xử lý tập trung.
Còn lại 5 xóm ở xa trung tâm, dân cư thưa thớt, khó khăn trong việc thu gom nên chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con tự xử lý bằng phương thức đốt. Do quỹ đất của các hộ dân khá rộng nên các loại rác thải dễ phân hủy được bà con đào hố ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Ngoài ra, các loại rác có thể tái chế thì được bà con gom lại để bán.
Hiện nay, tại địa bàn nông thôn, số rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý chiếm khoảng 70%. Do đó, việc phân loại rác thải tại nguồn không chỉ giúp xử lý hiệu quả nguồn rác thải rắn sinh hoạt mà còn góp phần bảo vệ môi trường trong tỉnh tốt hơn.