Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động.
Cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị phải gương mẫu trong việc phân loại rác thải tại nguồn, thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa; không sử dụng túi ny lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần tại công sở, hội nghị, hội thảo, hội họp và các ngày lễ, ngày kỷ niệm, sự kiện khác. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu dùng một lần; tăng cường sử dụng trang thiết bị điện tử phục vụ công tác tuyên truyền.
Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cán bộ, viên chức vận động người thân và mọi người xung quanh hạn chế hoặc không sử dụng túi ny lông, đồ nhựa dùng một lần để từng bước hình thành “văn hóa từ chối” túi nilon khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
UBND cấp huyện có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của túi ny lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần; tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa; xây dựng“văn hóa từ chối” túi ny lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường; vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch.
Tiểu thương tại các chợ dân sinh hạn chế tối đa sử dụng bao bì ny lông khó phân hủy trong việc bao gói sản phẩm cho người tiêu dùng. Rà soát các cơ sở thu gom phế liệu, tái chế rác thải trên địa bàn để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, kết nối, hình thành mạng lưới thu gom, thu hồi, tái chế rác thải tại địa phương.
Chỉ đạo tổ chức thu gom chất thải nhựa trên các sông, suối, kênh, mương, ao, hồ, cửa biển để bảo vệ môi trường và đảm bảo mỹ quan đô thị tại địa phương. Áp dụng biện pháp xử phạt đối với hành vi xả rác không đúng nơi quy định; đặc biệt các địa phương ven biển cần quản lý nghiêm tại các khu vực bãi tắm công cộng và tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã được làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, kiên quyết không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa.