Làm sao để phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả và bền vững?

Thu Hà|06/04/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phân loại rác thải tại nguồn là hành động nhỏ, ai cũng có thể làm, nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong việc làm giảm lượng rác thải đổ về các bãi rác, tiết kiệm chi phí xử lý, giảm diện tích chôn lấp và tận dụng được nguồn nguyên liệu tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong phân loại rác

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Hình ảnh những thùng rác sơn thành 3 màu tương ứng ba loại rác vô cơ, hữu cơ và tái chế khác đã trở nên quen thuộc với người dân từ thành thị tới nông thôn. Nhưng dù một số chương trình phân loại rác tại nguồn đã được thí điểm triển khai ở khá nhiều địa phương, việc hình thành thói quen sống xanh cho cộng đồng vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc…

phan-loai-rac-1-.jpg
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình

Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó gần 10%, khoảng 6.000 tấn rác nylon. Đa số lương rác này được chôn lấp lẫn trong các bãi rác hoặc thải ra vào nước. Và ở không ít địa phương, nguồn nước tưới tiêu cũng đang bị ngấm dần bởi nước rỉ rác, một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ 20 năm trước những mô hình thí điểm phân loại rác đã được triển khai ở Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, số lượng địa phương phân loại rác thành công quá ít ỏi. Hội An là một trong những nơi hiếm hoi làm được điều này.

Gần 1 thập kỷ để người Hội An quen với những hướng dẫn trong nhà: Thứ 2, 4, 6, Chủ nhật là ngày đổ rác dễ phân hủy. Thứ 3, 5, 7 là đổ rác khó phân hủy. Các loại rác được vẽ hình chi tiết, dễ hiểu. Phân loại, thu gom thành công trên toàn bộ khu vực nội và ngoại thành của thành phố. Giờ là lúc Hội An đang phải hiện thực hóa hệ thống tái chế sau phân loại, không thể mãi là mô hình thí điểm.

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn giảm tác động tới môi trường


Rác thải hiện nay đang là một vấn đề nan giải của xã hội và môi trường, phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ làm giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho quá trình xử lý, tái chế và làm giảm tác động tới môi trường. Nhưng phần lớn mọi người hiện nay vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, mạc dù đã có khá nhiều dự án, trương trình tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, nhưng có lẽ quy mô, thời gian chưa đủ lớn, lại mang nhiều tính lý thuyết và đặc biệt là chưa có được phương pháp có tính thực tiễn để mọi người dễ dàng thực hiện.

phan-loai-rac-2-.jpg
Mô hình phân loại rác nên thực hiện theo từng bước

Sự khác biệt của mô hình này so với các mô hình khác là: phương pháp thực hiện tránh phân loại nhầm lẫn (có sự đồng bộ mầu sắc từ thùng rác nhựa, nơi đổ rác đến xe thu gom rác), nơi đổ rác hay thu gom rác tại khu dân cư và tính từng bước.

Mô hình phân loại rác nên thực hiện theo từng bước: Rác hữu cơ là các loại rác thực phẩm sau khi bạn chế biến đồ ăn như rau, củ, quả…Sau đó chúng sẽ được nhân viên của Công ty Môi trường Đô thị chuyển tới các cơ sở sản xuất phân hữu cơ chế biến thành phân hữu cơ. Với mục đích sử dụng này ngay từ khi phân loại rác ban đầu bạn cũng nên cẩn thận để phân loại chính xác.

Rác vô cơ là các loại rác như sành sứ, gạch, xỉ than, nilong, gỗ…Đây là những lọai rác không thể sử dụng được nữa cũng không thể tái chế được mà chỉ có thể mang ra khu chôn lấp rác thải. Chính vì vậy, để chung tay bảo vệ môi trường bạn nên hạn chế sử dụng các loại rác này nhé. Đơn giản như khi đi chợ thay vì với từng loại thực phẩm bạn đều dùng 1 chiếc túi nilong, bạn có thể để trực tiếp chúng vào chiếc giỏ chẳng hạn hoặc sử dụng các loại túi tự phân hủy đang có trên thị trường hiện nay. Bạn có lẽ sẽ giật mình khi biết rằng những chiếc túi nilong tưởng chừng như rất tiện lợi này chỉ bị phân hủy hết khi được chôn dưới lòng đất từ 400 – 600 năm.

Rác tái chế như giấy, kim loại, vỏ hộp…sẽ được vận chuyển đến các làng nghề để tái chế thành các loại sản phẩm mới. Vì vậy, khi dùng xong một chai nước mắm hay chai dầu ăn bạn đừng tiện tay vứt nó vào thùng giác nhé, hãy gom lại để bán đồng nát vừa giúp có thêm thu nhập lại vừa bảo vệ môi trường.

Việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là việc nâng cao ý thức và nhận thức cho tất cả người dân đặc biệt là thế hệ trẻ, phải được tiến hành toàn diện, trong một thời gian dài, phát huy tối đa tính tiếp cận của phương tiện truyền thông, báo chí, đài, vô tuyến; Cùng đi đôi với việc nâng cao nhận thức là phải cung cấp cho người dân cách thức và phương tiện để phân loại rác một cách dễ dàng nhất (thùng rác, nơi đổ rác…).

Cần phân loại 2 loại rác thải vô cơ và hữu cơ; Khuyến khích tất cả người dân sử dụng thùng rác 2 ngăn hay 2 thùng rác riêng biệt để đựng 2 loại rác vô cơ và hữu cơ.

Đặc điểm của thùng rác 2 ngăn: Mỗi ngăn có một màu riêng biệt, ví dụ ngăn màu xanh quy định rác hữu cơ, ngăn màu đỏ quy định rác vô cơ, nếu có thêm hình vẽ biểu trưng loại rác thải ở mỗi ngăn thì việc phân loại sẽ dễ dàng hơn; Việc quy định màu sắc, hình vẽ đặc trưng cho mỗi loại rác thải cần phải đồng bộ ở tất cả mọi nơi là điều vô cùng quan trọng, để cho dù có ở đâu thì khi vứt rác mọi người không bị nhầm lẫn; Cung cấp cho mỗi nhà dân poster về danh sách các loại rác thải vô cơ, hữu cơ, poster nên được dán trên tường ở gần thùng rác.

Tại nơi đổ rác tại khu dân cư: Phần lớn các khu dân cư ở nước ta chưa có thùng rác công cộng và khi vứt rác mọi người đều đổ ra hè đường cho nhân viên thu gom rác; Tại hè đường nơi người dân hay vứt rác nên vẽ 2 ô riêng biệt cho rác vô cơ và hữu cơ để người dân không vứt nhầm lẫn 2 loại rác và cũng để dễ dàng cho nhân viên thu gom rác. Và cũng nên vẽ thêm một ô với rác chưa được phân loại.

Xe thu gom rác: Xe thu gom rác cũng nên có 2 ngăn và màu sắc cũng giống với thùng rác tại nhà; Hoặc có 3 loại xe gom rác để thu gom rác, một loại thu gom rác hữu cơ, một loại thu gom rác vô cơ, và một loại thu gom rác không được phân loại.

Nhà máy chế biến rác: Rác sau khi được thu gom được vận chuyển tới nhà máy chế biết rác thải: chế biến phân bón nông nghiệp từ rác hữu cơ, gạch xây dựng từ những rác thải phế liệu như túi nylong, đá, sỏi… Khi mới thực hiện phân loại rác thải sẽ có loại rác được phân loại và rác chưa được phân loại vì vậy loại rác chưa được phân loại sẽ được thu gom riêng.

Kinh nghiệm phân loại rác tại Thượng Hải


Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn là một trong những vấn đề trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường của Trung Quốc những năm gần đây. Trong đó, điển hình là Thượng Hải - thành phố có 25 triệu dân và xả ra gần 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt mỗi năm.

Thượng Hải là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc thực hiện phân loại rác bắt buộc trên quy mô toàn thành phố, đi kèm với những chế tài cụ thể, dù đối tượng vi phạm là người dân hay doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 01/7/2019, người dân thành phố này được yêu cầu phân loại rác thành 4 loại: rác thải khô, rác thải ướt (hay rác thải nhà bếp), rác thải nguy hại và rác có thể tái chế. Cá nhân vi phạm, tuỳ vào mức độ có thể bị phạt đến 200 Nhân dân tệ (khoảng 700.000 đồng). Trong khi đó, hình phạt đối với các doanh nghiệp không tái chế hoặc phân loại rác theo đúng quy định lên tới 50 nghìn Nhân dân tệ (hơn 170 triệu đồng). Ngoài ra, những người không phân loại rác còn có thể bị hạ thấp điểm tín nhiệm xã hội.

Ngược lại, khi phân loại rác đúng theo quy chuẩn, các hộ dân sẽ được nhận được điểm thưởng có tác dụng quy đổi thành các nhu yếu phẩm hằng ngày.

Dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng những nỗ lực của thành phố Thượng Hải bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ tuân thủ phân loại của các khu dân cư và đơn vị ở Thượng Hải là khoảng 95%. Tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt tại Thượng Hải đã đạt 40%. Phân loại rác đã trở thành thói quen của người dân, đồng thời diện mạo môi trường và năng lực quản lý của thành phố cũng được cải thiện. Hình ảnh người dân xếp hàng trước các điểm thu gom rác để đợi bỏ rác vào đúng các thùng phân loại các nhau đã trở thành quen thuộc ở Thượng Hải.

Lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn, nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Phần còn lại sẽ là gánh nặng lên chi phí, nguồn lực để xử lý và ảnh hưởng môi trường, sức khoẻ của chính chúng ta. Do vậy, phân loại có vai trò quan trọng để loại bỏ những tạp chất tồn đọng ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý rác; tMỗi chúng ta sẽ góp phần vào lối sống xanh, bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sao để phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả và bền vững?