Cần sớm ban hành hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt

Hoàng Anh|13/11/2022 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mặc dù ủng hộ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay từ hộ gia đình, tuy nhiên nhiều bạn đọc tỏ ra lúng túng vì chưa có sự hướng dẫn chi tiết từ cơ quan chức năng.

Theo khoản 1 điều 26 Nghị định 45/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Theo quy định tại khoản 1 điều 75 luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Đây là quy định mới và quy định hiện hành không quy định xử phạt về hành vi này...

rac.jpg
Ảnh minh họa

Theo đó, việc phân loại chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và gửi xin ý kiến góp ý của Ủy ban nhân dân và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại Công văn số 4648/BTNMT-TCMT ngày 11/8/2022.

Sau khi nhận được đầy đủ ý kiến góp ý của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, bổ sung dự thảo; tổ chức các cuộc họp, hội thảo tiếp tục xin ý kiến góp ý trực tiếp cho dự thảo trước khi trình lãnh đạo Bộ ban hành làm căn cứ các địa phương triển khai xây dựng văn bản tại địa phương.

Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, chuyển giao và xử lý chất thải, bên cạnh việc tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Trong Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT có các nội dung quy định cụ thể về quản lý chất thải. Điển hình như tại mục 1 đã đưa ra các quy định liên quan đến: Danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường; Đơn vị tính khối lượng chất thải; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Còn tại mục 2 quy định về: Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Giá dịch vụ thu gom,vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; Phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.

Mục 3 gồm quy định liên quan đến: Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với việc lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Ở mục 4 là các quy định như: Khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại và mẫu chứng từ chất thải nguy hại; Yêu cầu kỹ thuật về bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ xử lý chất thải nguy hại; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại….

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm ban hành hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt