Kỳ họp thứ 5 tới, dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Mai Hạ|20/03/2023 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Viễn thông đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm với các dịch vụ xuyên biên giới mang tính chất thu thập dữ liệu có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin, ảnh hưởng đến bảo vệ dữ liệu cá nhân,…đòi hỏi phải cụ thể hóa các cam kết quốc tế, các điều kiện, thủ tục, quy trình quản lý thị trường dịch vụ vệ tinh phù hợp

20-pham-duc-long.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023. Dự án Luật có một số điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới.

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều với phạm vi điều chỉnh về hoạt động viễn thông, bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; quản lý trung tâm dữ liệu, hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông và kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.

Với những sửa đổi, bổ sung của Luật Viễn thông (sửa đổi) có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ví dụ như các điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy phép viễn thông, chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ OTT viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây…

Đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định: Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Ngay sau khi được ban hành, Luật Viễn thông đã tác động trực tiếp, tích cực đến sự phát triển nhanh, bền vững cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông; đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy cạnh tranh, từng bước hoàn thiện thị trưởng viễn thông Việt Nam phát triển lãnh mạnh, bình đẳng và hội nhập quốc tế; mang lại ngày càng nhiều lợi ích hợp pháp hơn cho người dân và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; nâng cao và khai thác hiệu quả tài nguyên viễn thông; tăng thu cho ngân sách Nhà nước; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước về viễn thông trong điều kiện hội tụ của công nghệ và dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông của đất nước tiếp tục được mở rộng, hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ: Thiết lập được hạ tầng mạng lưới viễn thông của Việt Nam tốc độ cao, băng thông rộng, vùng phủ lớn làm nền tảng cho sự phát triển hệ sinh thái số. Đến nay, đã có hơn 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn/bản/xã/phường của 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước, sóng di động đã phù tới 99,8% dân số (trong đó, vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 99% dân số), hình thành xa lộ kết nối với toàn thế giới.

Cơ sở hạ tầng viễn thông (cột, cống bể cáp, trạm phát sóng...) đã được triển khai rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với hàng vạn cột treo cáp (gồm cả cột điện lực), hàng nghim km cống bể cáp và hàng trăm nghìn trạm thu phát sóng di động 2G/3G/4G. Hạ tầng mạng lưới này đã góp phần đưa “dịch vụ số” vào các hoạt động đời sống kinh tế - xã hội và sẽ là nền tảng vững chắc cho “nền kinh tế số" trong tương lai thông qua việc đầu tư, nâng cấp mở rộng mạng 4G, triển khai 5G (trong thời gian tới) và mạng cáp quang phủ rộng khắp đến từng hộ gia đình với năng lực truyền tải dung lượng Tbps để cung cấp các kết nối dung lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng cho IoT, Cách mạng công nghiệp 4.0... Thị trường dịch vụ viễn thông có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước năm 2009.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới.

Xu hướng hội tụ giữa viễn thông, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin và tự động hóa đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực viễn thông. Công nghệ phát triển đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Lĩnh vực viễn thông mở rộng thêm các thành phần hạ tầng và dịch vụ mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển là hạ tầng phục vụ kinh tế số, xã hội số; các dịch vụ viễn thông truyền thống cũng cần thay đổi cách quản lý cho phù hợp để đảm bảo các dịch vụ kết nối, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động của các ngành, lĩnh vực trên không gian mạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cũng nêu rõ: Các quy định về quản lý và điều tiết thị trường hiện nay đã thể hiện một số bất cập như chưa có chính sách phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng để tránh đầu tư lặp lại cơ sở hạ tầng viễn thông, nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng và thúc đẩy sự sáng tạo cung cấp các dịch vụ mới trên không gian mạng; Chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng trong việc cho thuê hạ tầng, bán buôn lưu lượng để khai thác hiệu quả đầu tư hạ tầng.

Việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp hiện nay chỉ có một hình thức cấp phép và quy trình, thủ tục giống nhau cho các loại giấy phép, chưa phân loại theo tính chất của mạng, dịch vụ viễn thông, tài nguyên viễn thông, chưa phù hợp với quy mô, đối tượng cung cấp dịch vụ cũng như loại giấy phép viễn thông; Điều kiện cấp phép là vốn pháp định và mức cam kết đầu tư hiện nay không còn phù hợp.

20-phuong-tuan.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.

Xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm với các dịch vụ xuyên biên giới mang tính chất thu thập dữ liệu, như hình ảnh, truy cập băng rộng tốc độ cao nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin, ảnh hưởng đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền lợi của người sử dụng, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với thị trường dịch vụ băng rộng cố định và di động mặt đất trong nước, đòi hỏi phải cụ thể hóa các cam kết quốc tế, các điều kiện, thủ tục, quy trình quản lý thị trường dịch vụ vệ tinh phù hợp.

Đề cập về tiến độ thẩm tra, rà soát dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, làm việc với một số cơ quan quản lý Nhà nước, tập đoàn, công ty viễn thông, tổ chức một số Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật này.

Trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) có một số nội dung trọng tâm như: Kho số của doanh nghiệp và xây dựng trung tâm dữ liệu. Đối với kho số của doanh nghiệp, hiện nay, Bộ Công an đang đề nghị các tập đoàn viễn thông phải đổ toàn bộ dữ liệu số của khách hàng sang hệ thống dữ liệu của Bộ Công an. Đây là vấn đề mà Tiểu ban Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cân nhắc, kiểm tra kỹ.

Đối với xây dựng trung tâm dữ liệu là nội dung mới được đưa vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Việc khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống ngân hàng xây dựng trung tâm dữ liệu riêng cho mình là việc làm hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam còn gặp một số khó khăn trong việc triển khai thêm các “giấy phép con” nên cũng đang được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét kỹ lưỡng. Ủy ban Khoa học, Công nghệ cũng đang chuẩn bị nội dung thẩm tra sơ bộ và trình Ủy ban Thường vụ xem xét, cho ý kiến vào phiên họp sắp tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 5 tới, dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)