Cơ hội là nó tạo ra không gian kết nối thông tin, nhất là kết nối kho tàng dữ liệu thông tin không giới hạn. Tuy nhiên, nó cũng là môi trường dễ làm cho nhà báo lười suy nghĩ, lười khám phá, lười tìm kiếm, lười học hỏi và dễ tụt hậu trong thế giới phẳng.
Với người làm báo hiện nay trong thời đại công nghệ 4.0 là thu thập và xử lý thông tin trong một không gian mạng kết nối mở, không có giới hạn và khó thẩm định, khó kiểm soát. Đây vừa là sức ép về cường độ lao động, cạnh tranh thông tin, cạnh tranh công chúng và cạnh tranh thị phần báo chí – truyền thông. Mặt khác, đây cũng là thách thức về mặt đạo đức nghề nghiệp. Trong một môi trường kết nối thông tin dễ dàng, thông tin trở nên có quyền lực, có giá trị trao đổi như hàng hóa, nhà báo dễ bị cám dỗ vật chất, bị cuốn theo thông tin và lợi ích trước mắt, dễ bỏ qua những khâu kiểm chứng nguồn tin. Vì thế, những sai sót, sai phạm, nhầm lẫn thông tin do vô tình hay cố ý là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt, trong công tác bảo vệ môi trường, báo chí truyền thông là một trong những phương tiện hữu hiệu, không những phản ánh các vấn đề nổi cộm, bức xúc, các “điểm nóng” về môi trường, vạch trần các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường mà còn nêu bật những gương người tốt việc tốt đã đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ môi trường chung. Qua đó, dần thay đổi và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường nhằm chung tay xây dựng một Việt Nam xanh.
Sự lên án mạnh mẽ của dư luận một mặt thể hiện sức mạnh của báo chí, truyền thông trong đấu tranh trước các hành vi vi phạm về môi trường, mặt khác cũng cảnh tỉnh ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiếp theo có thể phát sinh.
Vấn đề bảo vệ môi trường không thể là một hoạt động rời rạc mà cần có sự phối hợp liên tục của nhiều địa phương, nhiều cơ quan đoàn thể và cả cộng đồng, trong đó, báo chí, truyền thông là một kênh thông tin đóng vai trò quan trọng góp phần định hướng nhận thức cho nhân dân và kênh thông tin cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng, ban hành chính sách bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Sức mạnh của báo chí nằm ở khả năng tác động vào dư luận xã hội. Hiệu ứng đám đông chỉ trở thành sức mạnh thật sự của báo chí khi nhà báo có tâm và đủ hiểu biết để phân biệt đúng – sai, tốt – xấu, dở – hay (căn cứ quy phạm pháp luật và các giá trị đạo đức, các chuẩn mực xã hội) trong chọn lựa đề tài, góc tiếp cận, trong thái độ khách quan và trách nhiệm xã hội khi phản ánh hiện thực, trong việc nhân danh lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc để khơi nguồn và định hướng dư luận.
Báo chí hiện đại, tin nóng, tin nhanh, tin độc… không phủ nhận là sự đòi hỏi “sống, chết” của từng tòa soạn. Tuy nhiên, cách xử lý thông tin của mỗi tờ báo sẽ khẳng định đẳng cấp của mình. Cũng chính những người làm báo sẽ tự phân loại mình. Đứng trước nỗi buồn đau, bất hạnh, mất mát của người khác, việc đưa hay không đưa, đưa tin như thế nào là một cách để độc giả nhận ra được nhân cách cùng cái tâm của chính người cầm bút. Mang tới cho độc giả những gì họ cần là nguyên tắc nghề nghiệp mà mỗi người làm báo phải “nằm lòng”. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác nghiệp bằng mọi giá, giẫm đạp lên những quy chuẩn đạo đức về tình người. Mỗi nhà báo, bên cạnh cái đầu “lạnh” vẫn phải giữ được một trái tim “nóng” để biết chia sẻ, cảm thông, biết dừng lại trước những nỗi đau của nhân vật.
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 – 21/6/2019). Xin gửi lời chúc tới toàn thể các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, Tạp chí điện tử Moitruong.net.vn trên mọi miền của Tổ quốc, những người đang từng ngày, từng giờ truyền tải những thông tin, điểm nóng đến với bạn đọc, luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục cống hiến, chung tay xây dựng ngôi nhà chung Môi trường và Cuộc sống ngày một lớn mạnh, bền vững.
Nhà báo Khánh Toàn