Nhân dịp 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện cùng Nhà báo Lê Anh Đạt – Phó Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam để được anh chia sẻ những kinh nghiệm trong 20 năm làm báo của mình.
PV: Xin chào nhà báo Lê Anh Đạt! Được biết anh đã có 20 năm công tác trong lĩnh vực báo chí. Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề?
NB Lê Anh Đạt: Tôi được định hướng nghề từ khi còn nhỏ. Cha tôi coi trọng việc học của con nên tôi được kèm cặp và nắn thiên hướng rất trúng. Cha tôi từng làm giáo viên là trong Quân đội, cũng là người thích viết lách. Ông biết được sở trường, sở thích của tôi nên đã gợi ý tôi đến với nghề báo. Một hướng đi do cha gợi mở, nhưng đúng với mong muốn của tôi.
Nhà báo Lê Anh Đạt – Phó Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam
PV: Người ta bảo rằng, nghề báo là nghề nguy hiểm, nghề dấn thân. Anh có thể chia sẻ cho độc giả về một khó khăn mà anh nhớ nhất trong những ngày đầu anh bước vào nghề?
NB Lê Anh Đạt: Ngày mới hơn 20 tuổi tôi thi tuyển vào báo Tiền Phong và được phân công về làm phóng viên Ban Kinh tế. Ở ban này thời đó quy tụ nhiều nhà báo có nghề, có cá tính, và gần như chủ chốt của Tòa soạn, như Phạm Nguyên Bảng (Trưởng ban), Tô Quang Nam, Đinh Anh Tuấn, Trần Nguyễn Anh… Tôi được giao phụ trách mảng lao động việc làm. Một kỷ niệm và cũng có thể là một khó khăn đầu tiên.
Tôi viết về một số lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc trong điều kiện cực khổ, có người rụng cả tóc. Bài báo vừa xuất bản, thì Công ty Việt Nam (đưa những lao động tôi phản ánh sang Malaysia làm việc) đến tòa soạn quậy tưng bừng, và đưa theo một số lao động. Ông giám đốc Cty la lối, đòi gặp tôi để đối chất. Chi tiết mà ông giám đốc này muốn làm cho ra nhẽ là “lao động vất vả, ốm đau đến rụng hết tóc”. Ông ấy đã sang Maylaysia đưa lao động đó về để khẳng định: Người này không rụng tóc như báo phản ánh.
Với chi tiết đó thôi mà cuối cùng báo phải phải xin lỗi bạn đọc (vì trước đó anh ta rụng tóc, giờ mọc lại rồi, không còn chứng cứ nữa – không sai về bản chất). Một câu chuyện nhỏ, một chi tiết nhỏ, nhưng sau đó Ban Kinh tế đã họp rút kinh nghiệm và tôi đã nhận ra những sơ hở trong chi tiết này. Bản chất bài viết không sai, nhưng khi đi kiện, người ta sẽ kiện chi tiết. Dù 9 chi tiết đúng, 1 chi tiết sai, bài báo vẫn bị kiện, và tác giả đôi khi bị hiệu ứng ngược. Đó là bài học, là khó khăn đầu tiên tôi làm báo nó làm thay đổi cơ bản việc thu thập thông tin, viết bài phản ánh, điều tra sau này. Nó như luôn nhắc nhở tôi: Lời nói đọi máu, bút sa gà chết. Nghề báo không thể cẩu thả dù một dấu phẩy!
Nhà báo Lê Anh Đạt: “Báo chí không chỉ Nghề giúp nuôi sống chúng ta và còn là Nghiệp vận vào người”
PV:Là người kinh qua nhiều chức vụ ở nhiều tờ báo khác nhau. Mới đây, anh đã được bổ nhiệm chức Phó Tổng Biên tập Báo Gia đình Việt Nam. Anh đánh giá thế nào về chất lượng bài viết của báo chí hiện nay, đặc biệt là những bài viết trong lĩnh vực môi trường?
NB Lê Anh Đạt: Có hai yếu tố thường ít khi song hành với nhau. Nhanh thì khó sâu. Vội thì khó hay. Cuộc đua thông tin và xu hướng đọc của bạn đọc hiện đại trong thời buổi công nghệ đang sản sinh các sản phẩm báo chí là nhanh, nóng. Đa số các bài báo hiện nay đang chạy theo xu hướng đó (vì bạn đọc cũng vội, bận chỉ lướt vì sự lựa chọn thông tin là quá nhiều). So với thời kỳ báo giấy còn thịnh hành, báo điện tử chưa phát triển, thì thông tin báo chí bây giờ ít sâu sắc hơn, ít trau chuốt câu chữ, phong cách, ngôn ngữ diễn đạt hơn. Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện một thể loại báo chí điện tử như Emagazine (dạng phóng sự báo điệ tử mới) với hiệu ứng của âm thanh, video, hình ảnh và các thế mạnh khác của báo điện tử đang tạo ra những cách kể chuyện có chiều sâu, có điểm nhấn trong dòng chảy thông tin. Xu hướng này đang phát triển và có thể trong tương lai gần báo điện tử sẽ có những thể loại sâu sắc hơn, ngoài việc phải chạy theo view, trend…
Còn vấn đề môi trường và cách truyền thông về môi trường thời gian gần đây đã có những sự thay đổi rất lớn trong xã hội. Môi trường trở thành vấn đề toàn cầu, nhưng lại thiết thân với từng quốc gia, gia đình và mỗi con người. Các bài báo về môi trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong dòng chảy thông tin, đã có nhiều bài báo, tuyến bài về vấn đề này làm thay đổi bản ý thức người dân, gắn môi trường với câu chuyện kinh tế, phát triển, sức khỏe, biến đổi khí hậu… Trong tương lai, vấn đề môi trường sẽ được báo chí quan tâm đặc biệt.
PV: Không chỉ là một nhà báo đa tài, anh còn được biết đến với cây viết sắc sảo và có phong cách riêng. Anh đã xuất bản một số tập sách, trong đó cuốn sách được bạn đọc quan tâm là“Người đi trong bão”, khi phác họa các nhân vật đầy gai góc, nhiều vấn đề nóng của xã hội. Anh có thể chia sẻ về một kỷ niệm đặc biệt khi viết “Người đi trong bão” không?
NB Lê Anh Đạt: Quyển sách này vốn là đi trong bão rồi. Bão vì các nhân vật tôi phản ánh, số phận họ cũng bão táp. Số phận nhân vật bão táp, số phận sách cũng vậy. Xin phép xuất bản quyển sách này không hề đơn giản. Phải hết sức kiên trì chờ đợi và thuyết phục. May cho tôi là có những người làm công tác biên tập, xuất bản có tâm huyết.
Có một kỷ niệm không bao giờ quên đối với đồng nghiệp thân thiết của tôi, và là nhân vật trong bài “Ở hai đầu nỗi nhớ”: Mong ước bình dị mà đau đớn”, nhà thơ, nhà báo Trần Đình Chính (phóng viên báo Nhân Dân). Bài này được nhiều thế hệ hát dưới tài phổ nhạc của Phan Huỳnh Điểu. Ở tuổi hơn 50 anh bị bạo bệnh và mù mắt. Tôi đã đi công tác với anh ấy nhiều nước, thấy một người làm báo “chọc trời khuấy nước”, nhưng bị bệnh tật quật ngã nhanh chóng trong bất lực. Kinh tế anh không phải khó khăn nhưng bệnh tật đã lấy đi hết, đến nỗi anh phải rao bán bản quyền tác giả bài “Ở hai đầu nỗi nhớ”. Anh từng nói, bệnh tật đến thì mạng còn khó giữ chứ chưa nói thơ, và những ước mơ khác. Bán thơ chữa bệnh anh cũng đau đớn như “Lão Hạc bán chó vậy”! Mong ước của anh đơn giản là được khỏe lại để chăm sóc vợ, con. Mong ước bình dị mà không thể có được. Anh Chính mất sau khi lâm bệnh nặng không lâu, mới thấy cuộc sống mong manh, con người quá bé nhỏ. Trong bài báo đó tôi đã viết, một người có đôi chân khỏe mạnh đi khắp nơi nhưng đã ngục xuống và ra đi như thế, nhắc nhở chúng ta trân quý sức khỏe, trân quý từng giây phút yêu thương. Hãy yêu thương khi còn có thể. Yêu thương ngay và luôn.
Những nhân vật tôi viết trong “Người đi trong bão” cũng đều mang những số phận riêng, cho tôi nhiều bài học quý từ chính cuộc sống của họ.
PV: Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, anh có lời chúc gì đến các Nhà báo nói riêng và tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung?
NB Lê Anh Đạt: Báo chí không chỉ Nghề giúp nuôi sống chúng ta và còn là Nghiệp vận vào người. Tình đồng nghiệp cũng vậy, rất trân quý, mong anh chị em làng báo chúng ta lúc nào cũng khỏe mạnh, bình an với nghề. Có sức sức khỏe để vững đôi chân, vững tay bút!
Xin cảm ơn Nhà báo Lê Anh Đạt! Chúc anh luôn mạnh khỏe và có nhiều tác phẩm báo chí hay hơn nữa trong thời gian tới.
Thu Hà