PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang: “Tính kỷ luật là tiêu chí đầu tiên giúp các bạn có thể thành công trong nghề báo”

Hương Hà|20/06/2019 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – “Ngoài những tiêu chí cơ bản như sự đam mê và lòng nhiệt huyết thì tính kỷ luật là tiêu chí đầu tiên giúp các bạn có thể thành công trong nghề báo”.

Đó là chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang – Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình trước thềm kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019).

Duyên nghiệp với nghề báo và nghề giáo

Gặp cô trong một buổi chiều đầu hè tại văn phòng Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, cùng cô nhâm nhi ly trà, tôi được cô chia sẻ cơ duyên cũng như những kinh nghiệm làm nghề của mình.

Nói về cơ duyên đến với nghề báo cô cho biết, thời phổ thông cô là dân chuyên toán, nhưng chỉ với một suy nghĩ: Làm báo để được đi khắp nơi, được trải nghiệm mọi điều nên khi đăng ký dự thi cô đã đăng ký nhiều trường khối C như trường Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp và Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyền truyền). Rất xuất sắc, cô đã trúng tuyển vào tất cả các trường dự thi, nhưng cô quyết định theo học báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Và cơ duyên với nghề báo của cô đến từ đó.

PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang – Trưởng khoa Phát thanh  – Truyền hình  rạng ngời tại cột mốc Trường Sa

Thời bấy giờ, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong mỗi lớp, số cán bộ được cử đi học cũng tương đương với số học sinh tốt nghiệp phổ thông trúng tuyển, vì nhu cầu được đào tạo báo chí chính quy là rất lớn. Cùng với đó là nhu cầu nhân lực của các cơ quan báo chí đang rất thiếu. Tận dụng lợi thế này, ngay từ năm học đầu tiên, nhà trường đã yêu cầu sinh viên phải gắn bó, cộng tác với các cơ quan báo chí.

Và có lẽ cô là người rất may mắn khi được cộng tác tại Ban Chính trị – Xã hội của báo Nhân dân. Sau khi tốt nghiệp ra trường, với kết quả học tập xuất sắc, cùng sự say mê muốn gắn bó với công việc giảng dạy, cô đã được giữ lại trường làm giảng viên. Ngay sau đó, cô tiếp tục được nhà trường cử đi thực tế một năm tại Ban Nhân dân Điện tử của báo Nhân dân.

Nhớ lại những kỷ niệm đó, cô nói: “5 năm làm việc và cộng tác tại báo Nhân dân là một quãng thời gian vô cùng quý giá. Quý giá bởi Nhân dân là một tờ báo lớn, uy tín, chính vì vậy mà sự trải nghiệm cũng quan sát thực tiễn của cô được mở rộng. Đây cũng là một trong những tờ báo rất nghiêm khắc trong việc rèn nghề đối với những phóng viên trẻ: Từ cách viết, cách biên tập, cách chọn đề tài, cách dẫn nguồn… đến tác phong làm việc, giao tiếp, ứng xử… Làm việc tại báo Nhân dân cho cô cơ hội được tiếp xúc với những nhà báo đã thành danh và giúp cô học hỏi được nhiều điều”.

Báo chí Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0

Nói về những bước chuyển mình của báo chí Việt Nam hiện nay cô chia sẻ: Theo đánh giá một cách khách quan, báo chí Việt Nam ngày càng phát triển, cả về nội dung lẫn hình thức, cả về số lượng và chất lượng. Các sản phẩm báo chí ngày càng đa dạng, phóng phú, đề cập đến tất cả lĩnh vực của đời sống, phản ánh từ những vấn đề vĩ mô, đến những vấn đề dân sinh, ngóc ngách của cuộc sống.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mang lại rất nhiều cơ hội cho báo chí truyền thống. Điều mà chúng ta thấy rõ nhất đó chính là, nếu không có cạnh tranh thì không có sự phát triển, vì vậy sự xuất hiện của mạng xã hội đã giúp cho báo chí truyền thống buộc phải chuyển mình, phải thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Đó cũng là cơ hội để các cơ quan báo chí, cũng như nhà báo nhìn lại chính mình, học hỏi, vươn lên, có thêm động lực để cống hiến cho xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội Báo Toàn quốc năm 2019

Tuy nhiên, cuộc cách mạng 4.0 cũng đem lại những thách thức nhất định như: Thách thức về nhân lực, khi vẫn là những con người đấy nhưng phải nhanh chóng hoà nhập, tích luỹ “n trong 1” kỹ năng; thách thức trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa số lượng thông tin với chất lượng thông tin; thách thức giữa thông tin nhanh và đúng, trúng; thách thức giữa chuyên sâu và đa phương tiện… Trong cuộc cạnh tranh này, nếu ai không chuyển mình, hoà nhập nhanh với thời cuộc thì sẽ tự đào thải.

Vì vậy, với cô, bên cạnh bản lĩnh chính trị, phông kiến thức nền rộng, năng lực nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết luật pháp thì trong bối cảnh này, nhà báo rất cần có kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện, kỹ năng giao tiếp, và khả năng ngoại ngữ. Cô đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức nghề nghiệp, vì sản phẩm của nghề báo ngay lập tức có thể tác động trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hay tiêu cực đến cá nhân, tổ chức hay xã hội. Đằng sau những tin tức là số phận của những con người!

Mỗi giờ giảng là một sự trải nghiệm thú vị!

Khi được hỏi: “Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, vừa làm các công việc quản lý và lại là phụ nữ, cô có chịu sức ép nào không?”, cô mỉm cười: “Tất nhiên là có. Trước hết, là sức ép đến từ nghề nghiệp. Bởi đối với một giảng viên, đặc biệt là giảng viên báo chí nếu không thường xuyên nỗ lực rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, chuyên môn, nâng cao trình độ thì sớm hay muộn sẽ bị nghề nghiệp đào thải. Thứ hai, sức ép đến từ sự kỳ vọng của xã hội, của sinh viên và mọi người xung quanh. Ở đâu đó trong xã hội vẫn còn định kiến rằng phụ nữ vừa học cao, vừa làm quản lý thì gia đình dễ không hạnh phúc… Thứ ba, sức ép về thời gian. Cũng như các đồng nghiệp nữ của tôi, chúng tôi luôn tìm cách để cân bằng giữa nghề nghiệp và cuộc sống gia đình để công việc không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và gia đình trở thành động lực cho công việc. Và sức ép cuối cùng đến từ chính bản thân tôi. Tôi tự thấy mình là con người của hành động, quyết liệt trong mọi việc. Nếu tôi tự bằng lòng với những gì đạt được thì đến một ngày nào đó tôi sẽ chán ghét chính bản thân mình và tự loại mình ra khỏi dòng chảy của nghề nghiệp và cuộc sống.”

Cô nói: “Nhà báo hay giảng viên báo chí đều đòi hỏi ba yếu tố: Trí tuệ, trách nhiệm và sự đam mê. Từng bài giảng trên lớp, từng lời tư vấn với sinh viên và học viên đều phải là kết quả của quá trình nghiên cứu học thuật và trải nghiệm thực tế nghề nghiệp”.

Để sinh viên luôn thấy hứng thú với mỗi giờ lên lớp thì bản thân mỗi giảng viên cũng phải thấy hứng thú giảng dạy và coi mỗi giờ giảng trên lớp là một sự trải nghiệm. Và bất luận trong trường hợp nào, người giảng viên cũng không nên bỏ lỡ cơ hội để truyền lửa, niềm tin, chắp cho sinh viên đôi cánh để họ tin tưởng vào chính mình.

Là một người phụ nữ, lại là một nhà giáo, một nhà khoa học, một nhà quản lý, thành công quả không phải là một điều dễ dàng! Vậy mà cô đã làm được và làm rất tốt tất cả những vai trò ấy. Ngoài sự kính nể về mặt chuyên môn, tôi còn ngưỡng mộ cô ở tính cách hòa đồng, gần gũi. Gặp cô, tiếp xúc, làm việc với cô dễ thấy sự uyên bác, trí tuệ nhưng rất mộc mạc, chân thành.

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), cô đã gửi lời chúc mừng tới các nhà báo, phóng viên đồng thời mong muốn, các nhà báo cũng như các cơ quan báo chí hiện nay nối tiếp được truyền thống 94 năm của nền báo chí cách mạng, cùng nhau phấn đấu xây dựng một nền báo chí vừa hiện đại, vừa chuyên nghiệp, nhân văn và đạo đức.

Chúc cho cô trong thời gian tới sẽ làm được nhiều việc lớn lao, ý nghĩa, thiết thực hơn nữa với chức danh Phó Giáo sư cao quý mà cô được Nhà nước phong tặng, để góp phần cho sự phát triển ngành báo chí nước nhà.

Hương Hà

Bài liên quan
  • Nhà báo và tờ báo tiếng Việt đầu tiên
    Moitruong.net.vn – Hiện nay, trên toàn quốc có hơn 1.000 đầu báo, tạp chí, bản tin, tập san các loại với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, đề cập hầu hết mọi lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang: “Tính kỷ luật là tiêu chí đầu tiên giúp các bạn có thể thành công trong nghề báo”