Phong cách làm báo vì lợi ích đất nước và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Thanh|20/06/2019 04:52
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và công cuộc xây dựng đổi mới đất nước dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ đã và đang là nguồn đề tài vô tận, là chân trời rộng mở để sáng tạo những tác phẩm báo chí rung động lòng người, làm nảy nở những tài năng báo chí, bồi đắp phẩm chất và phong cách người làm báo cách mạng.

Nhớ lời Bác dạy: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân”. Thấm nhuần lời dạy của Người, 94 năm qua nền báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngày một đổi mới, hiện đại.

Với mục đích giác ngộ quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, cách đây 94 năm, chính Bác Hồ chúng ta đã sáng lập tờ báo các mạng trong nước “Thanh Niên”. Như vậy tờ báo Thanh Niên ra đời trước và là tờ báo đã vận động, góp phần vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 5 năm sau đó. Nó là một trong những nguồn sản sinh ra dòng thác cách mạng ở nước ta, đem lại ánh sáng và lòng tin cho nhân dân cùng khổ Việt Nam trong những ngày cực kỳ đen tối.

Phong cách làm báo vì lợi ích đất nước và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Báo chí cách mạng là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng, là công cụ không thể thiếu được của chính quyền. Nó có tác dụng giáo dục, giác ngộ quần chúng, đem lại ý thức tự giác xây dựng trật tự kỷ cương cách mạng, giữ gìn và bảo vệ chế độ. Trong mọi tình huống phức tạp của xã hội, báo chí có chức năng hướng dẫn dư luận quần chúng, vận động họ có ý thức và hành động phù hợp với sự phát triển lành mạnh và đúng định hướng của đất nước.

Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay, đòi hỏi báo chí càng phải phát huy hết mình chức năng, giám sát, phản biện xã hội, góp phần phản ánh góc nhìn của đông đảo tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,  nhà báo cũng là chiến sĩ, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng cho nên hơn ai hết nhà báo phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, với đất nước. Mỗi khi đặt bút viết hay làm bất kì công việc nghề nghiệp gì, nhà báo cũng phải luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Vì ai mà làm? Làm  với mục đích gì? Phục vụ ai? Người nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì cái khác mới đúng được” (1).

Việc trau dồi, rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ và phẩm chất  đạo đức là đòi hỏi tất nhiên của nhà báo-người chiến sĩ cách mạng để đáp ứng yêu cầu của những nhiệm vụ công tác quan quan trọng, nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Bởi vậy, người làm báo phải  “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”(2).

Lễ khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2019

Đối với nhà báo, Người quan niệm, gần dân trước hết là phải đi sâu, đi sát vào thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Phải “từ  trong quần chúng ra, chứ cứ  đóng cửa lại, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết” thì không thể viết thiết thực, “không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”(3).

Người nhắc nhở không nên viết “tràng giang đại hải”,“dây cà ra dây muống”  lãng phí giấy mực, thời gian, tiền của của nhân dân. Phân tích một cách sâu sắc về lí do phải viết ngắn gọn, Người viết: “Trình độ của đại đa số đồng bào ta không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thời giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu. Vì vậy nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”(4).

Muốn viết ngắn gọn, dễ  hiểu thì người làm báo phải làm gì? Người cũng chỉ rõ: Đó là phải học cách nói của quần chúng, thì khi nói, khi viết mới lọt tai quần chúng. Viết xong một bài thì phải tự  mình đọc kĩ, xem đi xem lại nhiều lần để  sửa chữa những từ  ngữ  khó hiểu, mập mờ. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào mà họ không hiểu thì sửa lại cho dễ  hiểu, cho phù hợp với trình độ của đại chúng nhân dân.

 Một trong những điều cần phải có của một nhà báo chân chính đó là phải biết giữ bí mật. Dù ở đâu, làm gì, gặp ai nhà báo cũng cần phải luôn có ý  thức giữ bí mật.  Bởi theo Người, “Những văn kiện bí mật của nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc” cho nên “giữ bí mật được hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại”  (5).

Những lời chỉ dạy đó của Người đã giúp cho những người làm báo chân chính hiểu sâu sắc hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh vì một đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, Đảng ta luôn coi báo chí là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh cách mạng, là công cụ sắc bén để tuyên truyền và vận động nhân dân. Đội ngũ những người làm báo, viết báo Cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã và đang được thừa hưởng tài sản vô giá của Người làm báo cách mạng, luôn luôn chú trọng nhiệm vụ chính trị, bám sát tôn chỉ mục đích, tạo đồng thuận xã hội; ít có tình trạng  chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc xã hội.

Kỷ niệm 94 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, cũng là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; năm 2019 cũng là năm trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hơn lúc nào hết, đội ngũ những người làm báo Việt Nam càng phải phát huy truyền thống tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc với nhân dân; luôn xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.

Đồng thời, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, chủ động trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội. Chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, củng cố niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần, thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.

Chú thích:

-(1 đến 7) xem Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB KHXH, 1998, trang 170-175.

Xem thêm:

 –Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 4, 8, 12, 13.

-Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007

Nguyễn Văn Thanh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phong cách làm báo vì lợi ích đất nước và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.