La Nina và những tác động đến Việt Nam - Bài 1: Thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan

Lương Nguyễn - Thu Trinh|28/08/2024 10:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mùa mưa lũ năm nay ở miền Bắc đang diễn ra khốc liệt hơn. Trong tháng 7 và tháng 8, mưa, bão lũ dồn dập khiến hàng chục người thiệt mạng. Dự báo, những thàng cuối năm 2024, mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn mọi năm do hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu ngày càng rõ nét.

Hiện tượng La Nina là gì?

Hiện tượng La Nina là một pha lạnh của dao động Nam (ENSO - El Nino Southern Oscillation), một hiện tượng nhiệt độ của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía đông Thái Bình Dương lạnh hơn so với bình thường. Ngược lại với La Nina là hiện tượng El Nino, chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt khu vực nói trên nóng hơn so với bình thường.

img_8204.jpeg
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhấn mạnh, hiện tượng La Nina đang diễn ra trong 3 năm liên tiếp là hiện tượng hiếm thấy

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, La Nina mang theo một số đặc điểm chính như: Nhiệt độ nước biển giảm: Nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực trung tâm và phía đông của Thái Bình Dương trở nên lạnh hơn bình thường, thường là dưới mức trung bình;

La Nina thường gây ra những thay đổi lớn đối với thời tiết toàn cầu bao gồm: Chế độ hoàn lưu: Điều kiện La Nina, gió tín phong hoạt động mạnh hơn, đẩy nhiều nước ấm hơn về phía châu Á, từ đó làm tăng khả năng cung cấp chất dinh dưỡng và nước trồi cho sinh vật biển gần Nam Mỹ. Nước lạnh cũng ảnh hưởng đến áp suất khí quyển và hoàn lưu ở Thái Bình Dương, tạo không khí khô hơn và mát hơn gần Nam Mỹ, ẩm hơn và ấm hơn gần châu Á; Châu Á và Úc: thường có mưa nhiều hơn và lũ lụt ở các khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ. Phía bắc của Úc; Bắc Mỹ có xu hướng thời tiết lạnh hơn và ẩm ướt hơn ở phía tây bắc của Bắc Mỹ, trong khi phía đông nam có thể khô và ấm hơn; Nam Mỹ, đối với phía đông bắc của Nam Mỹ có thể có nhiều mưa hơn, trong khi phía tây nam lại khô hạn.

La Nina có thể làm gia tăng số lượng và cường độ của các cơn bão nhiệt đới ở khu vực Đại Tây Dương, đồng thời giảm bớt hoạt động bão ở Thái Bình Dương.

Các khu vực bị ảnh hưởng bởi La Niña thường phải đối mặt với các thách thức trong sản xuất nông nghiệp. Lũ lụt hoặc hạn hán, ảnh hưởng đến sản lượng mùa màng và an ninh lương thực.

Cuối cùng, La Nina xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Chu kỳ của La Nina thường kéo dài hơn El Nino, theo số liệu quan trắc từ năm 1950, thời gian trung bình của một lần xuất hiện La Nina là 15,4 tháng, nhiều nhất 37 tháng, từ mùa xuân năm 1973 đến mùa xuân năm 1976.

TS. Nguyễn Đăng Mậu cho biết thêm: "Trong thời kỳ La Nina, thường xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong đó gây ra các trận mưa lớn, có tác động mạnh mẽ đến cả môi trường tự nhiên và hoạt động kinh tế-xã hội". Cụ thể:

la-ni-na-1.jpg
La Nina gây mưa bão, ngập úng, người dân đắp đê ngăn lũ cứu lúa

Tác động đến thời tiết và khí hậu

Mưa lớn và lũ lụt: La Nina thường gây ra mưa lớn và lũ lụt ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và các vùng phía bắc của Nam Mỹ.

Khô hạn: Trong khi một số nơi phải đối mặt với mưa lớn, những khu vực khác như miền nam Hoa Kỳ, trung tâm của Nam Mỹ và phía tây nước Mỹ có thể trải qua khô hạn nghiêm trọng.

Nhiệt độ lạnh hơn: Các vùng như phía bắc Hoa Kỳ và Canada thường trải qua mùa đông lạnh hơn và có nhiều tuyết hơn do La Nina.

Tăng cường bão nhiệt đới: Ở khu vực Đại Tây Dương, La Nina có thể làm gia tăng hoạt động bão nhiệt đới, dẫn đến nhiều cơn bão mạnh và kéo dài hơn.

Tác động đến nông nghiệp

Ảnh hưởng đến mùa màng: Những thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng. Lũ lụt có thể làm hỏng mùa màng, trong khi hạn hán có thể làm giảm sản lượng nông sản.

Gián đoạn chuỗi cung ứng: Những điều kiện thời tiết cực đoan có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm, làm tăng giá cả và gây thiếu hụt lương thực ở một số nơi.

Tác động đến môi trường

img_8213.jpeg
Mưa, lũ ảnh hưởng đến môi trường nên công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh sau khi lũ rút được ngành chức năng ở Hà Nội gấp rút triển khai

Thay đổi sinh thái: La Nina có thể gây ra những thay đổi lớn trong hệ sinh thái, bao gồm sự biến đổi trong quần thể động vật, thực vật và các hệ sinh thái biển.

Biển: Nhiệt độ nước biển lạnh hơn có thể ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển, đặc biệt là các rạn san hô và nguồn cá, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản ở nhiều nơi.

Tác động đến kinh tế - xã hội


Thiệt hại tài sản: Lũ lụt và bão do La Nina gây ra có thể dẫn đến thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Tăng chi phí ứng phó và phục hồi: Các chính phủ và tổ chức phải chi tiêu nhiều hơn để ứng phó với thiên tai và khắc phục hậu quả.

Tác động đến sức khỏe: Những thay đổi về khí hậu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ví dụ như tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do ngập lụt, hoặc các bệnh về đường hô hấp do khô hạn và cháy rừng.

Tác động đến toàn cầu


Gián đoạn thương mại quốc tế: La Niña có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là ở các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai.

Biến động thị trường hàng hóa: Giá cả các mặt hàng như lương thực, năng lượng, và nguyên liệu có thể biến động mạnh do La Nina ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung.

Việt Nam chịu nhiều tác động từ hiện tượng La Nina

Hiện tượng La Nina ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống và sản xuất ở mức độ toàn cầu. Việt Nam nằm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nên cũng không nằm ngoài những tác động của các loại hình thời tiết cực đoan, mưa bão, khô hạn...

img_8208.jpeg
Mưa lũ diễn ra nhiều, dồn dập do ảnh hưởng La Nina

Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực chịu tác động mạnh của La Nina có thể thấy như, làm gia tăng lượng mưa, nhiều trận mưa lớn, bão và bão mạnh, lụt lụt, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm rét hại và các đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại kéo dài, … Kéo theo đó là những tác động xấu đến các hoạt động kinh tế-xã hội, môi trường và sinh thái.

Thêm vào đó, La Nina làm gia tăng các trận mưa lớn, lũ lụt thường xuyên hơn. Mùa mưa bão, miền Trung hứng chịu nhiều đợt mưa lớn kéo dài, đặc biệt là từ tháng 9 đến tháng 12. Điều này dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, sạt lở đất, và thiệt hại lớn về người và tài sản. Các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng của mưa lớn, gây ra lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt nguy hiểm đối với các cộng đồng dân cư sống ở những khu vực này.

TS. Nguyễn Đăng Mậu cũng đặc biệt nhấn mạnh: "La Nina thường liên quan đến sự gia tăng hoạt động của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông. Ở Việt Nam trọng tâm là các tỉnh ven biển miền Trung và miền Bắc có thể phải đối mặt trực tiếp với nhiều cơn bão hơn, có sức mạnh lớn và gây thiệt hại nặng nề".

Mưa lớn, lũ lụt và bão do La Nina gây ra có thể làm ngập úng và hư hại lượng lớn diện tích đất trồng lúa và các loại cây trồng khác. Ngoài ra, tình trạng sạt lở và xói mòn đất cũng làm giảm chất lượng đất nông nghiệp.

Ngoài ra, ẩm ướt do mưa lớn cũng có thể tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh ở cây trồng và vật nuôi phát triển, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nông sản.

Không những vậy, lũ lụt và bão do La Nina gây ra gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, nhà cửa và phương tiện sản xuất, đồng thời làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, thương mại và giao thông.

Nhiều cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở các khu vực ven biển và miền núi, phải đối mặt với tình trạng mất nhà cửa, thiếu lương thực và nguy cơ dịch bệnh gia tăng sau khi thiên tai xảy ra.

Dẫn chứng một về tác động của La Nina trong những năm gần đây tại Việt Nam, TS Mậu ví dụ: Do tác động của đợt La Nina 2007-2008: Đợt rét đậm, rét hại 38 ngày vào tháng 1-2/2008 đã làm 180.000ha lúa, gần 110.000 vật nuôi bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng.

Tiếp sau đó, thời kỳ La Nina 2020-2022 cũng ghi nhận nhiều thiệt hại. Trong đó, năm 2020 cả nước có 16/22 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 265 trận giông, lốc, sét... làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 39.960 tỷ đồng. Riêng thiên tai năm 2022 ở nước ta đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.

Do đó, để hạn chế thấp nhất những rủi ro từ thiên tai gây ra, Chính phủ và các tổ chức xã hội phải chi tiêu nhiều nguồn lực hơn cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia và nguồn lực xã hội.

Mùa mưa lũ năm nay ở miền Bắc đang diễn ra khốc liệt hơn. Ngay trong tháng 7, mưa, bão lũ liên tục khiến hàng chục người thiệt mạng.

Thực tế ở miền Bắc nước ta, từ đầu mùa mưa tổng lượng mưa hầu hết đều cao hơn trung bình mọi năm từ 30-80%. Một số nơi còn cao hơn 80-100%. Đặc biệt tại Bắc Quang, Hà Giang và Quảng Hà, Quảng Ninh lượng mưa riêng trong tháng 6 đã lên tới 1105 – 1271mm, cao gấp đôi so với cùng kỳ.

Mưa lớn liên tục gây ra hàng loạt các vụ sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng. Đồng thời lũ cũng xảy ra nhiều hơn. Từ tháng 6 đến nay, trên các sông khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện 3 đợt lũ vừa và lớn. Hàng loạt các sông suối đỉnh lũ đã lên báo động 2- báo động 3 như sông Gâm, sông Lô (tại Hà Giang), sông Nậm Pàn, sông Mã (Sơn La), sông Đáy (Phủ Lý), sông Nậm Mức (Điện Biên).

Đáng chú ý nhất là đợt lũ ngay trong các ngày 23-26/7 vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 2, hàng loạt các hồ thuỷ điện lớn đã xả lũ liên tiếp. Hồ thuỷ điện Hoà Bình đã mở 4 cửa xả đáy, thuỷ điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy và thuỷ điện Lai Châu mở 5 cửa xả mặt. Theo đó lũ ở đồng bằng Bắc Bộ lên cao, mực nước trên sông Hồng qua Hà Nội đã cao hơn cả đỉnh lũ lớn nhất năm ngoái. Sông Bùi qua Chương Mỹ, Hà Nội vấn đề thoát lũ, ngập lụt trên diện rộng kéo dài cả tuần.

img_8212.jpeg
Hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ hồi tháng 7 vừa qua

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Tháng 8 tiếp tục là thời kỳ cao điểm mùa mưa ở các tỉnh miền Bắc nước ta do ảnh hưởng hiện tượng La Nina.

Trong những ngày qua, các tỉnh, thành như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội vừa lâm vào cảnh ngập lụt diện rộng sau cơn mưa lớn vào tối ngày 22, sáng 23/8.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng, từ nửa cuối tháng 8 và tháng 9 trở đi, hiện tượng La Nina bắt đầu tác động. Do đó, mưa trong tháng 9 ở Bắc Bộ có thể cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN).

Đáng lưu ý, từ tháng 9, La Nina tác động trùng với thời điểm mưa bão, lũ ở miền Trung. Với sự ảnh hưởng này, mưa bão, lũ ở Trung Bộ khả năng xảy ra dồn dập trong khoảng nửa cuối tháng 9 và tháng 10 và 11 năm nay.

la-ni-na.jpg
Do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, thời tiết nước ta năm 2024 có nhiều diễn biến bất thường, đề phòng lúa bị ngập úng, gãy đổ

Từ tháng 9, La Nina gây mưa lớn, bão lũ dồn dập

Nói về tình hình mưa lũ, mùa mưa bão năm 2024, TS. Nguyễn Đăng Mậu nhận định: Hiện nay, hiện tượng ENSO vẫn đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8. Dự báo, có thể chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 9 - 11/2024 với xác suất 60 - 70%. Khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra thời tiết xấu và khó dự báo do trạng thái khí quyển chưa đạt trạng thái cân bằng.

Các kết quả dự báo và nhận định của Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu và các cơ quan dự báo đều cho thấy:

Trong mùa mưa bão năm 2024, lượng mưa có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm ở hầu hết cả nước. Mưa lớn có khả năng xảy ra thường xuyên và dồn dập hơn trong các tháng chính mùa đến cuối mùa mưa.

Trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); trong đó có 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển. La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm.

Trước mắt, từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên khu vực này vẫn phải đối mặt với các đợt mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cần phải cảnh giác ở mức cao.

Từ nay đến cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung Bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt và ngập úng tại nhiều đô thị.

Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định. Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc cả trên đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời gian ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Do diễn biến phức tạp của khí quyển và đại dương trong thời kỳ chuyển tiếp nhanh từ pha nóng sang pha lạnh, nên cơ quan khí tượng thuỷ văn cần tăng cường giám sát, cảnh báo và dự báo, cũng như cập nhật bản tin thường xuyên và kịp thời; Các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân, cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo và chủ động ứng phó với thiên tai.

Như vậy, hiện tượng La Nina gây mưa lớn, ngập lụt kéo dài và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, ảnh hướng tới môi trường, sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy các cấp, các ngành cùng cơ quan chức năng cần tăng cường dự báo, người dân, doanh nghiệp và chính quyền thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ để chủ động, kịp thời các phương án ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra, hạn chế thấp nhất những rủi ro do mưa bão gây ra.

Bài liên quan
  • La Nina tác động cực đoan tới thời tiết
    Mùa mưa lũ năm nay ở miền Bắc đang diễn ra rất khốc liệt. Chỉ tính riêng tháng 7 vừa qua, mưa, bão, lũ liên tục đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Dự báo từ nay đến cuối năm, mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn mọi năm do hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu ngày càng rõ nét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
La Nina và những tác động đến Việt Nam - Bài 1: Thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan