Làng ung thư Thạch Sơn: “Nước sạch đã cứu chúng tôi”

(Theo Hương Mai/ Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)|20/11/2016 08:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Được biết đến nhiều với cái tên “ làng ung thư” với tỉ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất cả nước, người dân xã Thạch Sơn nay đã yên tâm làm việc và sinh hoạt hơn do ước mơ có dự án nước sạch thành hiện thực.

untitled8

Ông Nguyễn Văn Vương: Nước sạch đã cứu chúng tôi”

 Do hậu quả của việc phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ồ ạt chưa có biện pháp bảo vệ bền vững cho môi trường, cụ thể là do khí và chất thải xả ra từ Công ty supephotphat và hóa chất Lâm Thao và Công ty cổ phần pin ắc quy Vĩnh Phú ảnh hưởng trực tiếp, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, mà xã Thạch Sơn (Lâm Thao – Phú Thọ) được biết đến nhiều với cái tên “ làng ung thư”.

Đến nay, khi xuống thăm làng “ung thư”, thay vì không khí u ám, lo âu bao trùm thì nụ cười đã hiện trên khuôn mặt từng người dân nơi đây. Chia sẻ niềm vui này với chúng tôi, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Vượng (khu 8) phấn khởi: “Sau mấy năm thực hiện dự án, gặp hết khó khăn này tới trục trặc kia thì chúng tôi cũng có nước sạch để dùng. Từ nay chúng tôi đã yên tâm không phải sử dụng nước ô nhiễm để sinh hoạt, ăn rau, cá sống trong nước ô nhiễm để sống nữa. Nói thật, con cái chúng tôi cũng vì thế mà lấy được chồng vợ, chứ trước đây ai cũng sợ lấy phải người ung thư, không ai dám tìm hiểu. Nước sạch đã cứu chúng tôi.”

Theo báo cáo của đoàn khảo sát đầu năm 2005, môi trường không khí khu vực Thạch Sơn bị ô nhiễm rất nghiêm trọng bởi các chất khí sulfur oxide (SO2, SO3). Chì (Pb), SULFUR HYDRO (H2S), ammoniac (NH3), acid hydro (HCl), hydri florua (HF), nutrite kim loại (NO2). Hàm lượng các thông số trên đều vượt quá tiêu chuẩn môi trường Việt Nam cho phép.

Theo đó, chỉ tính từ năm 1995 đến năm 2005, cả xã có tới 137 người chết vì mắc bệnh ung thư. Nhưng đến nay, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, cùng với ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, biệt danh từng ám ảnh cộng đồng dân cư nơi đây trong một thời gian dài đã và đang từng bước được xóa bỏ.

Untitled-21

Người dân xã Thạch Sơn đã yên tâm sử dụng nước sạch

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Lê Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi có những kết quả báo cáo Môi trường, địa phương đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cấp, ngành với Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn với tổng kinh phí đầu tư là gần 20 tỷ đồng, ngoài việc người dân được cấp vật tư tự lắp đặt và nhà thầu phải lắp đặt đường nước đến tất cả 2.004 hộ, xã còn được đầu tư xây dựng thêm một trạm biến áp, một trạm bơm ba máy và một bể chứa nước dự phòng 1.500 m³.

Tuy nhiên, do một số vướng mắc mà dự án triển khai chậm tiến độ bốn năm so với kế hoạch đề ra. Năm 2010, chúng tôi mới được nhận bàn giao quản lí và cấp sử dụng nước cho nhân dân. Tưởng nhờ đó, dân sẽ đỡ vất vả hơn thì một thời gian ngắn sau do đường ống kém đã để lâu mòn rỉ, nhiều lỗ thủng gây cặn, biến đổi màu nước và thất thoát nước lên tới 45%.

Tới cuối năm 2015 – đầu 2016, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh, theo nguyện vọng của UBND xã và nhân dân, Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ trực tiếp chịu trách nhiệm thay thế toàn bộ đường ống kẽm sang đường ống nhựa chất lượng cao. Đến nay, xã Thạch Sơn có 97% hộ dân đã có nước sạch sử dụng trên tổng 2004 hộ dân.

Trò chuyện thêm với ông Quản Văn Vĩnh ( trưởng khu 1) chia sẻ: “Sau nhiều lần sử dụng nước sạch “hụt”,  số lượng người mắc ung thư trong thôn cứ tăng, người dân cũng tự nhận thức được rõ hơn tầm quan trọng của nước sạch, vì thế mà trong công tác tuyên truyền lắp và sử dụng nước sạch,chúng tôi cũng được bà con  hưởng ứng, không còn khó khăn, những cái lắc đầu từ chối như trước. Giờ khu chúng tôi có 100%  số hộ dân sử dụng nước sạch, cuộc sống của người dân được cải thiện hơn bao giờ hết.”

(Theo Hương Mai/ Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Làng ung thư Thạch Sơn: “Nước sạch đã cứu chúng tôi”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.