Lãnh đạo các nước cam kết ngăn chặn mất đa dạng sinh học của Trái đất

Trang Anh|30/09/2020 03:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà lãnh đạo của 64 quốc gia, trong đó có Pháp, Đức và Anh ký vào cam kết hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững.

Ngày 28/9, 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 25% tổng sản phẩm GDP toàn cầu, công bố các cam kết khẩn trương hành động nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của Trái Đất cũng như ngăn chặn sự suy thoái và mất đa dạng sinh học.

Lãnh đạo của các nước, trong đó có Đức, Pháp, Anh và Mexico, đã cùng ký tên vào Bản cam kết của các Nhà lãnh đạo đối với Tự nhiên.

Các cam kết bao gồm nỗ lực đổi mới nhằm giảm nạn phá rừng, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt không bền vững, loại bỏ các khoản trợ cấp có hại cho môi trường và bắt đầu chuyển đổi sang các hệ thống sản xuất lương thực bền vững và một nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ tới. Các nhà lãnh đạo mô tả cam kết như một “bước ngoặt” mà qua đó các thế hệ tương lai sẽ đánh giá sự sẵn sàng trong hành động của những người đi trước.

Về thiên nhiên, các nhà lãnh đạo cam kết đặt động vật hoang dã và khí hậu vào trọng tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch, hứa hẹn giải quyết khủng hoảng khí hậu, phá rừng, suy thoái hệ sinh thái và ô nhiễm.

Thông báo này được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc diễn ra vào thứ Tư, 30-9 và nó như một phần cuộc đàm phán về một thỏa thuận quốc tế Paris về tự nhiên. Các vị trí phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh tuần này đã được đăng ký quá mức, với hơn 116 nguyên thủ quốc gia và chính phủ.

Theo đó, các lãnh đạo cam kết giảm ô nhiễm không khí, ngăn chặn rác thải nhựa đại dương và chuyển sang hệ thống sản xuất và cung cấp lương thực bền vững hơn vào năm 2030.

Vùng nhiệt đới đang đánh mất sự đa dạng sinh học trên diện rộng hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới 

Các nước cũng đảm bảo xây dựng một kế hoạch “đầy tham vọng” trước thềm cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học được tổ chức tại thành phố Côn Minh, Trung Quốc vào năm tới.

Kế hoạch sẽ bao gồm biện pháp chấm dứt các chương trình trợ cấp cho hoạt động khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, tăng chi ngân sách vào khôi phục các khu vực hoang dã như rừng và vùng đầm lầy, nâng cấp các hệ thống canh tác trên thế giới nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và lãng phí lương thực.

Các lãnh đạo công bố các cam kết trên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học vào ngày 30/9. Những cam kết mới được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi Liên hợp quốc cảnh báo các nước có thể không đạt được những cam kết trong tổng số 20 cam kết đã đưa ra 10 năm trước nhằm làm chậm lại cũng như đảo chiều quá trình mất đa dạng sinh học.

Đầu tháng 9, Liên hợp quốc thông báo rằng thế giới đã không đạt được một mục tiêu duy nhất để làm chậm sự mất mát của thế giới tự nhiên trong thập kỷ thứ hai liên tiếp, bao gồm các mục tiêu bảo vệ các rạn san hô, bảo tồn môi trường sống tự nhiên và giảm chất thải nhựa và hóa chất xuống mức có thể không làm hỏng hệ sinh thái.

Đã có một loạt các báo cáo và nghiên cứu về tình trạng tự nhiên trên Trái đất trong những tuần gần đây, như báo cáo Sức sống hành tinh năm 2020 của WWF, trong đó phát hiện ra các quần thể động vật có vú, chim, cá, lưỡng cư và bò sát giảm trung bình 68% từ năm 1970 đến năm 2016.

Theo báo cáo của hội đồng các nhà khoa học quốc tế IPBES công bố hồi năm ngoái, trong số 8 triệu loài động, thực vật đang tồn tại có tới 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện nay, 1 triệu loài thực vật và động vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đây là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết để các quốc gia trên thế giới tập trung vào vấn đề đa dạng sinh học, phát triển các chính sách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật.

Trang Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo các nước cam kết ngăn chặn mất đa dạng sinh học của Trái đất