– Trước thực trạng môi trường y tế tại các cơ sở y tế không được xử lý theo đúng quy định dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường và là mầm mống làm lây lan bệnh tật gây nguy hại cho sức khỏe con người. Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã và đang thực hiện chuyên đề điều tra phản ánh về thực trạng quản lý, xử lý môi trường y tế, theo đó phóng viên đã phát hiện một số cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế quản lý có những sai phạm về môi trường y tế cũng như công tác quản lý, lưu giữ và xử lý chất thải y tế. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với lãnh đạo Cục quản lý Môi trường y tế – Bộ Y Tế để làm rõ trách nhiệm thì phóng viên luôn gặp phải sự đùn đẩy và trốn tránh.
Bài trả lời phỏng vấn của Cục Quản lý Môi trường y tế – Bộ Y tế không đúng với nội dung mà phóng viên yêu cầu.
ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM
Nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường y tế, cũng như mong muốn có những thông tin chính xác và những ý kiến đánh giá khách quan, đa chiều để phục vụ cho tuyến bài viết và đáp ứng yêu cầu của độc giả. Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã liên hệ và đặt lịch làm việc với bà Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế – Bộ Y tế theo giấy giới thiệu số 77 GGT/MTCS ngày 18/7/2016 để thực hiện cuộc phỏng vấn về công tác quản lý, xử lý chất thải y tế. Kèm theo giấy giới thiệu là 5 câu hỏi phỏng vấn gồm:
Câu 1: Xin bà cho biết, hiện nay, công tác quản lý môi trường y tế được thực hiện như thế nào?
Câu 2: Hiện nay, Bộ y tế đã ban hành những thông tư, nghị định nào để quản lý chất thải y tế? Những thông tư, nghị định đó được các cơ sở y tế chấp hành, thực hiện ra sao?
Câu 3: Xin bà cho biết, hiện nay cả nước có bao nhiêu cơ sở y tế từ trung ương tới địa phương? Trong các cơ sở này, đã có bao nhiêu đơn vị có hệ thống xử lý môi trường (bao gồm chất thải lỏng, chất thải rắn và chất thải nguy hại)?
Câu 4: Xin bà cho biết kết quả công tác quản lý, kiểm tra, xử lý chất thải y tế từ năm 2011 đến nay? Cục đã xử lý bao nhiêu cơ sở vi phạm về công tác quản lý, xử lý chất thải y tế? Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Câu 5: Với vai trò là cơ quantham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế, Cục đã và sẽ có những biện pháp gì để giải quyết tình trạng vi phạm của các cơ sở y tế trong công tác quản lý, xử lý chất thải.
Thời gian buổi phỏng vấn: 14h00 ngày 20/7/2016
Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc với cán bộ văn phòng của Cục Quản lý Môi trường y tế để xác nhận lịch buổi phỏng vấn thì được biết Cục trưởng đã ủy quyền trả lời phỏng vấn cho Trưởng phòng, Phòng Môi trường cơ sở y tế là ThS.BS Nguyễn Hữu Hùng.
Sau khi nhận được thông tin ông Nguyễn Hữu Hùng được ủy quyền trả lời phỏng vấn báo chí, phóng viên đã liên lạc với ông Hùng qua điện thoại để cùng nhau thống nhất thời gian trả lời phỏng vấn thì nhận được thông tin do ông cung cấp là ông đã ủy quyền cho ThS.BS Phan Thị Lý – Phó trưởng phòng Môi trường cơ sở y tế trả lời các câu hỏi phỏng vấn của cơ quan báo chí.
Phóng viên tiếp tục liên lạc với bà Phan Thị Lý qua điện thoại để hẹn lịch trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, bà Lý cũng không gặp phóng viên để trả lời phỏng vấn.
HỎI MỘT ĐẰNG, TRẢ LỜI MỘT NẺO
Sau nhiều lần liên hệ với bà Cục trưởng Cục quản lý Môi trường y tế và trưởng, phó phòng Môi trường cơ sở y tế nhưng phóng viên vẫn chưa xác nhận được lịch phỏng vấn. Đột nhiên, đến ngày 02/8/2016 phóng viên nhận được câu trả lời phỏng vấn được gửi từ Email: lyytdpvn@gmail.com. Gồm một hình ảnh của bà Cục trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và bản Words trả lời 3 câu hỏi, nhưng điều thật nực cười là 03 câu trả lời này lại không đúng và không liên quan nhiều tới những câu hỏi của phóng viên gửi trước đó. 03 câu trả lời do bà Phan Thị Lý gửi phóng viên như sau:
Câu 1. Một số kết quả trong công tác quản lý chất thải y tế trong năm 2015?
Câu 2. Những khó khăn trong triển khai công tác quản lý chất thải y tế hiện nay?
Câu 3. Để tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong thời gian tới, Cục đã và sẽ triển khai các giải pháp gì, thưa bà?
Sau khi nhận được câu trả lời chưa đầy đủ và không đúng với nội dung câu hỏi mà phóng viên đã gửi cho Cục Quản lý Môi trường y tế, phóng viên đã gửi Email trả lời với nội dung: Sau khi nhận được bài trả lời các câu hỏi phỏng vấn về công tác quản lý, xử lý chất thải y tế của lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế gửi Tạp chí Môi trường và Cuộc sống vào ngày 2/8/2016, ban biên tập của Tạp chí nhận thấy bài trả lời không đúng như nội dung phóng viên đã gửi và không đáp ứng được thông tin để phục vụ cho tuyến bài viết của Tạp chí.
Vì vậy, đề nghị lãnh đạo Cục trả lời theo đúng nội dung câu hỏi phỏng vấn đã đặt ra. Phóng viên có đặt lịch phỏng vấn vào hồi: 14h00 ngày 8/8/2016.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, phóng viên chưa nhận được thêm bất cứ một sự phản hồi nào từ phía Cục Quản lý Môi trường y tế.
Được biết, theo Quyết định số: 4445/QĐ-BYT ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế. Theo điểm d, khoản 1, điều 2, chương 1 quy định chung về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế: “Đối với các lĩnh vực chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho Thủ trưởng các đơn vị của Bộ Y tế (sau đây gọi chung là Người được ủy quyền phát ngôn) phối hợp cùng Người phát ngôn để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo từng lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể: Lĩnh vực môi trường y tế là Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế.
Và theo khoản 3 điều 2 chương 1 quy định chung về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế: “Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn quy định tại Điều này không được ủy quyền tiếp cho người khác. Việc ủy quyền phát ngôn phải được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.”
Như vậy, việc Cục trưởng ủy quyền phát ngôn cho Trưởng phòng và Trưởng phòng lại tiếp tục ủy quyền cho Phó trưởng phòng là không đúng quy định, thể hiện một thái độ không tôn trọng, không chấp hành những quy định chung về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế. Mặt khác, phải chăng lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế đang đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trước những sự việc, vấn đề nóng đang diễn ra liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước của Cục?
Để báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phản biện của mình thì cần phải có sự trân trọng và sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin kịp thời của các cơ quan chức năng của Nhà nước. Do đó, từ những hành động của lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường y tế, thiết nghĩ Bộ Y tế cần có những giải pháp kiên quyết để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng trên.
(Theo Mai Quý – T/c Môi trường và Cuộc sống)