Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất 2024

Minh Kiên|23/03/2024 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chiều 22/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành cho biết, Việt Nam được biết đến là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Trong bối cảnh dân số toàn cầu gia tăng, đô thị hóa và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, làm mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trong đó có nguồn tài nguyên nước.

thutruong2203.jpg
Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành phát biểu tại lễ phát động

Chủ đề của Ngày Nước thế giới “Nước cho hòa bình”, Ngày Khí tượng thế giới “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu” và Chiến dịch giờ Trái đất năm 2024 “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero” có sự gắn kết chặt chẽ, qua đó kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng nhằm tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động vì khí hậu, tập trung vào tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới; tăng cường năng lực và chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; lan toả sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững của hành tinh và nhân loại trong hành trình hướng tới NetZero.

COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những thành viên tích cực. Lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu nói riêng và ngành TNMT nói chung luôn nhận được quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 vừa qua, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Bằng những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, một lần nữa khẳng định khát vọng và tầm nhìn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công cuộc phát triển đất nước và cũng là thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng quốc tế.

"Tôi tin rằng, hành động vì khí hậu đóng vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới NetZero, góp phần thực hiện hành trình hợp tác và đổi mới, vượt qua những thách thức và đạt được tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, thịnh vượng, bền vững, kiên cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau", Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành nói.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành kêu gọi các bộ, ban, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có những hành động thiết thực, chung tay hành động vì khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo sức lan toả lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.

Theo đó, các đơn vị rà soát, cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hoá những nội dung điều ước, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Thứ trưởng Bộ TNMT kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, nói không với việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Đặc biệt, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (đất đai, nước, khí hậu, khoáng sản, năng lượng,...); tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam cho rằng, ngày nay nhân loại đều đang phải chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài, lũ lụt với cường độ tần suất ngày một lớn. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng cuộc khủng hoảng liên quan đến nguồn tài nguyên nước ngày càng trầm trọng hơn ở khắp mọi nơi. Theo đó, khi mọi người không được tiếp cận nước một cách bình đẳng hoặc không có khả năng tiếp cận nước ngọt thì xung đột có thể xảy ra giữa các cộng đồng, địa phương, thậm chí các quốc gia.

Vì vậy, theo ông Văn Ngọc Thịnh, để giải quyết được các cuộc khủng hoảng và thách thức mang tính sống còn này thì không còn cách nào khác là chung tay hành động và đóng góp của tất cả chúng ta, từ cấp độ quốc gia cho đến mọi người trên khắp thế giới.

Là một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới về bảo tồn thiên nhiên, thời gian qua, WWF đã cam kết đồng hành cùng với Chính phủ, Bộ TN&MT trong các nỗ lực nhằm giải quyết 3 thách thức lớn nhất toàn cầu liên quan đến môi trường hiện nay đó là: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Nhân dịp này, thay mặt cho Tổ chức WWF, ông Văn Ngọc Thịnh tái khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ, hợp tác thực hiện các cam kết quốc tế nhằm đạt được mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại COP15; hợp tác để thúc đẩy vai trò tiên phong trong các nỗ lực và sáng kiến toàn cầu và khu vực về bảo tồn nguồn nước;…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất 2024
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.