Liên Mạc (Hà Nội): Cần kiên quyết xử lý dứt điểm bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động gây ảnh hưởng môi trường

Nhóm PV|11/06/2024 11:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều năm qua, tại tổ dân phố Yên Nội, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tồn tại 02 bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động trái phép trên đất công và đất nông nghiệp. Mặc dù, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.

Thời gian vừa qua, người dân liên tục có ý kiến về việc bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng Phú Quý của Công ty Cổ phần ĐTXD TM và DVDL Phú Quý và bãi tập kết vật kinh doanh liệu xây dựng Phúc Hạnh thuộc Công ty Cổ phần thương mại và tư vấn đầu tư xây dựng Toàn Phát tại tổ dân phố Yên Nội, phường Liên Mạc hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của những hộ dân nơi đây.

W_bai-vlxd-lien-mac-1-(1).jpg
Hai bãi VLXD hoạt động trái phép ở tổ dân phố Yên Nội (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Ghi nhận của phóng viên, tại đây các đống cát, đá, gạch được chất cao không được che chắn, nhiều đống gạch lớn được tập kết lấn chiếm hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ, không chỉ ảnh hưởng đến giao thông đi lại mà còn gây bức xúc cho người dân sống quanh khu vực này. Gạch, cát, đá được tập kết tràn lan, trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì trơn trượt lầy lội. Xe chở gạch, cát, đá ra vào tấp nập hú còi inh ỏi gây mất trật tự an toàn giao thông.

W_bai-vlxd-lien-mac-5-.jpg
W_bai-vlxd-lien-mac-3-.jpg
Nhiều đống gạch lớn được tập kết lấn chiếm hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ, không chỉ ảnh hưởng đến giao thông đi lại mà còn gây bức xúc cho người dân

Theo tìm hiểu, bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng Phú Quý hoạt động trên diện tích đất khoảng hơn 2.000m2, bao gồm một phần đất công do UBND phường Liên Mạc quản lý và đất nông nghiệp thuê lại của một số hộ dân. Còn bãi VLXD Phúc Hạnh hoạt động trên phần đất lấn chiếm trái phép ngay trong khu tái định cư phường Liên Mạc.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có buổi làm việc với UBND phường Liên Mạc, ông Lê Bình Minh - Chủ tịch UBND phường cho biết: "Phường đã nắm bắt được thông tin về hai bãi VLXD trên. Hiện phường đang cử cán bộ đi kiểm tra, phường đã có nội dung và xây dựng kế hoạch kiểm tra tất cả các bãi này. Chúng tôi đang hoàn thiện báo cáo và đã có văn bản yêu cầu hai bãi tập kết dừng hoạt động, đồng thời lập biên bản yêu cầu hai công ty khắc phục lại khu vực bị hư hỏng. Vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm bản thân tôi mới về phường được hơn 1 năm, hiện nay đang chỉ đạo để xử lý triệt để".

"Phường không bao giờ đem đất công cho thuê, phường đã đi kiểm tra và yêu cầu hai công ty cung cấp giấy tờ liên quan nhưng chưa nhận được sự phối hợp từ hai công ty", ông Minh khẳng định.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Vũ Tiến Bắc - Phó chủ tịch UBND phường Liên Mạc cho biết thêm: "Bãi VLXD Phúc Hạnh đang để nhờ trên đất của ban quản lý dự án (năm 2019 khi giải phóng mặt bằng đã giao khu vực đất này cho ban quản lý dự án) còn họ “để nhờ” ban quản lý dự án bằng cách nào thì chúng tôi không nắm được. Đó là đất của ban quản lý dự án nên chúng tôi không thể xử lý được, phường chỉ có văn bản đề xuất, nếu có vi phạm về đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường sẽ xử lý. Chúng tôi sau khi nắm được thông tin, đã có 1 văn bản với ban quản lý dự án đề nghị không cho bãi VLXD Phúc Hạnh mượn nữa, yêu cầu giải tán vì bãi nằm ở khu vực đường cua dưới chân dốc rất nguy hiểm".

"Về phía bãi VLXD Phú Quý, chúng tôi đã nắm được việc tập kết VLXD không phải mới hoạt động mà đã hoạt động nhiều năm nay, chúng tôi đã kiểm tra, yêu cầu bãi VLXD Phú Quý phải thực hiện các yêu cầu theo quy định như đăng ký kinh doanh, vệ sinh môi trường, giấy tờ xin thuê đất… Phường đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động và chỉ hoạt động khi có đầy đủ giấy tờ, thủ tục. Hiện tại phường đang báo cáo, lập hồ sơ xử lý đối với bãi VLXD Phú Quý", ông Bắc cho hay.

W_bai-vlxd-lien-mac-2-.jpg
Xe chở gạch, cát, đá ra vào tấp nập xả khí thải, hú còi inh ỏi gây ảnh hưởng môi trường và mất trật tự an toàn giao thông

Mặc dù, 02 bãi VLXD Phú Quý và bãi VLXD Phúc Hạnh chỉ nằm cách trụ sở UBND phường Liên Mạc chưa đầy 200m hoạt động gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và an toàn giao thông nhiều năm. Nhưng không hiểu vì sao, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Có hay không việc chưa làm hết trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý các vi phạm về đất đai.

Trước vấn đề trên, kính đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm nhanh chóng chỉ đạo các phòng chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những vi phạm trong quản lý đất đai, cũng như các hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng tại bãi VLXD Phú Quý và bãi VLXD Phúc Hạnh (nếu có), để đảm bảo giữ nghiêm kỷ cương phép nước trong quản lý TTXD bảo đảm môi trường cảnh quan khu dân phố.

Tòa soạn Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó có nội dung đáng chú ý là yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý. Đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai. Đặc biệt là những trường hợp vi phạm TTXD, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng; tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý TTXD.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Liên Mạc (Hà Nội): Cần kiên quyết xử lý dứt điểm bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động gây ảnh hưởng môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.