Trong những năm qua, mô hình hợp tác xã (HTX) là một thành phần kinh tế quan trọng cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình để tạo ra những sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với DN trong tiêu thụ, chế biến. Đặc biệt việc phát triển kinh tế tập thể và HTX thời gian qua đã và đang mang lại hiệu quả to lớn góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới…
Theo đại diện Liên minh HTX Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2020, cả nước thành lập mới 10.749 HTX (tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015), 81 liên hiệp HTX, 15.849 tổ hợp tác (THT). Đến cuối năm 2020, có 26.040 HTX (tăng 5.625 HTX so với năm 2015, tăng bình quân 3,6%/năm), 100 liên hiệp HTX và 119.000 THT; HTX, liên hiệp HTX, THT thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia (chiếm 33% tổng số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn), tăng 4,5% so với năm 2015, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người. Đến cuối năm 2020 hơn 96% các HTX đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với Luật HTX năm 2012.
Ngoài ra, cả nước hiện có hơn 500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn hơn 5 tỷ đồng và doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm (tăng 4 lần so với giai đoạn 2011-2015).
Đến nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP); đóng góp gián tiếp trên 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và cung ứng cho thị trường 18-32% số hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cả nước đang thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm…
Mai Anh