Long An phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Trọng Huy|04/11/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Toàn tỉnh Long An hiện có gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân trong giai đoạn 2011-2015 là 15,25%/năm. Vì vậy, sức ép về môi trường đối với Long An không hề nhỏ.

Sản xuất công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH địa phương, giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

KCN Tân Đức tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan đến BVMT.

Một trong những địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh phải kể tới huyện Đức Hòa. Huyện có gần 6.000ha đất công nghiệp được phê duyệt quy hoạch, gồm có 11 khu công nghiệp (KCN) và 20 cụm công nghiệp (CCN) (trong đó: 6 KCN, diện tích 2.090ha, có 893 DN đang hoạt động, lấp đầy trung bình 81,88%; 10 CCN, diện tích 559ha, có 477 DN đang hoạt động, lấp đầy trung bình 95,72%). Bên cạnh đó, Đức Hòa còn có 71 dự án khu dân cư, thương mại, dịch vụ có diện tích 1.516ha. Tất cả đều là những điều kiện quan trọng để huyện phát triển công nghiệp theo đúng hướng.

Đại diện Ban Quản lý KCN Hải Sơn (huyện Đức Hòa) cho biết: “Tỉnh, huyện luôn đồng hành trong quá trình hoạt động, giúp đơn vị an tâm hoạt động, phát triển sản xuất. Đơn vị đang cố gắng thu hút đầu tư, đẩy mạnh lấp đầy toàn khu. Điều này không chỉ giúp đơn vị hoàn thành hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trách nhiệm cộng đồng của DN. Toàn khu rộng hơn 500 ha, lấp đầy đạt hơn 95% với khoảng 400 DN thứ cấp về đầu tư, với hàng ngàn công nhân đang làm việc tại đây”.

Bến Lức cũng là địa phương phát triển trọng điểm về công nghiệp của tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức – Lê Thành Út, sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều việc làm, giải quyết các bài toán về lao động, đóng góp thiết thực vào các hoạt động an sinh xã hội, tăng thu ngân sách,…

Những năm qua, kinh tế xã hội của tỉnh Long An không ngừng phát triển. Nhờ những chính sách, quyết sách đúng đắn trong điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, công tác thu hút đầu tư được tập trung thực hiện, cải thiện môi trường đầu tư… Long An đã trở thành “điểm sáng” trong thu hút đầu tư trong vùng, cũng như cả nước. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn là nhiệm vụ quan trọng, được đặt lên hàng đầu. Tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp các địa phương tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT trên địa bàn.

Tỉnh Long An cũng như ngành TN-MT kiên quyết xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thực hiện di dời các cơ sở này ra khỏi khu vực dân cư. Song song đó, thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường cũng sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc tự động về nước mặt và khí thải để quản lý môi trường công nghiệp 1 cách toàn diện.

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, hoạt động giám sát của người dân, các chủ đầu tư hạ tầng khu, CCN cũng tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan đến BVMT, đặc biệt là trong việc xử lý nước thải. Đồng thời, các chủ đầu tư hạ tầng khu, CCN còn phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn nhằm phổ biến các quy định mới của pháp luật về BVMT, từ đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của các DN thứ cấp, người lao động, kêu gọi cùng chung tay, phối hợp thực hiện.

Những động thái tích cực đã, đang triển khai của tỉnh trong bảo vệ môi trường hứa hẹn sẽ mang lại kết quả khả quan cho Long An. Từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

Trọng Huy


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Long An phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.