Luật phòng chống tác hại rượu bia: Sau nửa tháng, hơn 1.300 tài xế bị xử phạt nồng độ cồn ở mức cao nhất

Lê An (t/h)|19/01/2020 01:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 60 tài xế ôtô và 1.270 người lái xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn trong 15 ngày triển khai Nghị định 100.

Ngày 16/1, tại buổi họp báo triển khai Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, sau hai tuần thực hiện Nghị định 100, TNGT trên toàn quốc đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Từ 1/1-15/1, toàn quốc xảy ra 322 vụ, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với cùng kỳ giảm 31 vụ, giảm 38 người chết, giảm 57 người bị thương.

Cảnh sát giao thông toàn quốc kiểm tra, xử lý gần 6.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 21 tỷ đồng.

Trong số này có 60 tài xế ôtô và 1.270 xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn (vượt quá 0,40 mg/lít khí thở), với mức phạt tài xế ôtô từ 35 đến 40 triệu đồng và xe máy 8 triệu đồng.

Sau hai tuần thực hiện Nghị định 100, hơn 1.300 tài xế bị xử phạt nồng độ cồn ở mức cao nhất.

Trong số các tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, có nhiều công chức vi phạm và bị cảnh sát gửi giấy về cơ quan để xử lý. Đơn cử, Công an tỉnh Thái Bình xử phạt một Phó giám đốc Bệnh viện 35 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình, lực lượng chức năng cũng xử phạt một Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện 35 triệu đồng. “Phòng Giáo dục và đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này”, đại diện Cục CSGT nói.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, trong quá trình xử lý, nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn đã cố tình không chấp hành, đóng cửa xe hoặc không hợp tác với cảnh sát.

Đánh giá về 15 ngày đầu xử lý vi phạm nồng độ cồn theo quy định mới, đại diện Cục CSGT cho rằng “kết quả khả quan, người dân đồng tình và các vụ vi phạm nồng độ cồn đã giảm”.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 – 24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 – 24 tháng.

Lê An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật phòng chống tác hại rượu bia: Sau nửa tháng, hơn 1.300 tài xế bị xử phạt nồng độ cồn ở mức cao nhất