Báo cáo công bố ngày 22/9 của tổ chức phi chính phủ về môi trường Greenpeace (có trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan) cho biết lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động chăn nuôi tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chiếm tới 17% tổng lượng phát thải loại khí này tại EU, cao hơn cả lượng khí thải từ ôtô ở châu Âu.
Theo báo cáo của Greenpeace cho biết, trong giai đoạn 2007-2018, lượng khí thải CO2 từ hoạt động chăn nuôi tại châu Âu đã tăng thêm 39 triệu tấn (tương đương 6%). Greenpeace so sánh, điều này tương đương với việc tăng thêm 8,4 triệu chiếc ôtô lưu hành trên đường phố châu Âu.
Cũng theo Greenpeace, các loại gia súc, gia cầm nuôi tại châu Âu mỗi năm phát thải lượng khí thải lên tới 502 triệu tấn CO2. Nếu tính cả các hoạt động gián tiếp phát thải liên quan tới chăn nuôi như chế biến thực phẩm, hoạt động trồng trọt, phá rừng…, thì tổng lượng khí thải từ hoạt động chăn nuôi sẽ là 704 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Ảnh minh họa
Khí CO2 từ chăn nuôi chủ yếu từ sử dụng phân bón cho trồng cỏ và cây thức ăn, từ việc đốt nhiên liệu chạy các máy móc dùng cho chăn nuôi… Theo ước tính, để sản xuất 1 kg thịt bò cần tới 4,37 MJ hay 1,21 Kwh, còn để sản xuất 12 quả trứng cần hơn 6 MJ hay 1,66 Kwh. Khí CH4 từ chăn nuôi chủ yếu đến từ quá trình lên men thức ăn ở dạ cỏ và thoát ra từ phân gia súc. Chăn nuôi đã tạo ra hàng chục triệu tấn CH4/năm, đặc biệt là chăn nuôi công nghiệp với các khẩu phần thức ăn tiêu chuẩn thải ra phân có tiềm năng tạo khí CH4 cao hơn nhiều so với chăn nuôi thả rông.
Ở hầu hết các loại đất nông nghiệp, việc bón phân Ni tơ, chất thải gia súc có chứa Ni tơ đều gây ra bốc hơi khí N2O. Lượng N2O được dự báo sẽ còn tăng lên trong thời gian tới vì các đồng cỏ vẫn đang đươc mở rộng ở nhiều nơi trên thế giới do chăn nuôi phát triển và nhu cầu sử dụng đất sản xuất thức ăn tăng lên.
EU hiện đang xây dựng một dự luật mới về khí hậu, cập nhật các mục tiêu khí hậu và xác định chính sách nông nghiệp trong 7 năm tới. Greenpeace hy vọng châu Âu sẽ đặt mục tiêu giảm số đàn gia súc, gia cầm và ngừng trợ cấp cho ngành chăn nuôi công nghiệp. Theo tổ chức này, việc giảm 50% hoạt động chăn nuôi sẽ cho phép cắt giảm 250 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp của Greenpeace, ông Marco Contiero nhấn mạnh: “Các lãnh đạo châu Âu từ lâu không quan tâm tới tác động của hoạt động chăn nuôi đối với khí hậu. Về mặt khoa học, tác động này đã quá rõ ràng, các số liệu cũng nói lên tất cả. Chúng ta không thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu nếu các chính sách của châu Âu vẫn tiếp tục bảo vệ hoạt động sản xuất công nghiệp đối với các sản phẩm thịt và sữa”.
Ngọc Linh (t/h)