Mâm cúng tất niên ba miền của người Việt

Mai Anh|16/01/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lễ cúng tất niên có ý nghĩa hoàn tất năm cũ và chào đón năm mới. Vào ngày này các gia đình cần chuẩn bị mâm cơm thật tươm tất để dâng lên gia tiên và những người đã khuất trong gia đình.

Lễ cúng tất niên là phong tục lâu đời và mang đậm nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống của người Việt Nam, với ý nghĩa hoàn tất năm cũ và chào đón năm mới. Các gia đình báo cáo lên bề trên những gì được, mất trong năm nay, về những gì chưa làm được và mong muốn năm sau sẽ hoàn thành tốt. Đây cũng là dịp để mọi người hưởng thụ, nghỉ ngơi và tận hưởng thành quả của cả năm qua.

mam-cung-tat-nien.jpg
Mâm cỗ cũng Tất niên thường mà cỗ mặn, được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ.

Lễ cúng tất niên cũng là lúc để gia đình và người thân đoàn tụ sau những tháng ngày lặn lội mưu sinh, tạm thời gác lại những áp lực, cùng nhau tận hưởng không khí đoàn viên ấm áp.

Thông thường, lễ cúng tất niên được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (tức là ngày 30 tháng Chạp, thường gọi là ngày 30 Tết, một số năm thiếu thì sẽ được tổ chức vào ngày 29 Tết). Năm nay, ngày 30 Tết sẽ rơi vào thứ Bảy ngày 21/1/2023 Dương lịch.

Tuy nhiên, một số gia đình tổ chức cúng tất niên sớm hơn, có thể là ngày 26, 27, 28 hoặc 29 tháng Chạp. Nhìn chung, thời gian tốt nhất để cúng tất niên vẫn là 2 ngày cuối cùng của năm cũ.

Để cúng tất niên, các gia đình cần chuẩn bị mâm cơm thật tươm tất để dâng lên gia tiên và những người đã khuất trong gia đình. Sau khi hạ lễ, mọi người sum vầy bên mâm cơm. Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới. Sau bữa cơm tất niên, mọi người chuẩn bị cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.

Mâm cỗ Tết ba miền

Theo phong tục, mâm cỗ tất niên phải được chuẩn bị kỹ lưỡng với những món không thể thiếu là thịt gà, thịt lợn, giò, chả quế, xôi gấc, bánh chưng, thịt chân giò hầm măng, miến nấu lòng gà, bát bóng thẻ, mọc nấm thả, canh, dưa muối, nem...

Mâm cỗ tất niên ở miền Trung về cơ bản cũng giống với miền Bắc, nhưng nhiều địa phương có thêm gà bóp rau răm, bánh mật, bánh phồng tôm, chả Huế, đĩa cá chiên, rau xào…

Ở miền Nam bởi đặc điểm thời tiết nóng, vậy nên mâm cúng tất niên có phần khác với người miền Bắc và miền Trung. Cỗ cúng bao gồm bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, thịt lợn luộc, nem, giò chả, củ cải ngâm nước mắm, dưa giá, củ kiệu…

Mâm cỗ cúng tất niên của các dân tộc

Dân tộc Thái đông, sinh sống chủ yếu ở khu vực Tây Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái coi trọng Tết Nguyên đán, cỗ tất niên cũng được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng với các món như xôi, cá đồ, cá chua, thịt gà, măng khô nấu xương, rượu, vàng mã… và không thể thiếu bánh chưng.

Mâm cỗ tất niên của người Tày, Nùng vùng miền núi phía Đông Bắc cũng luôn được chuẩn bị đủ đầy, với những món không thể thiếu như thịt gà trống thiến, thịt muối, thịt lợn xào, lạp sườn, thịt vịt, bánh chưng, bánh khảo, bánh khẩu sli, rượu, vàng mã… Trong quan niệm của người Tày, Nùng, con vịt trên mâm cúng tất niên có ý nghĩa tẩy đi những điềm xui của năm cũ, để chuẩn bị đón một năm mới với thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn.

Với người Dao, Tết Nguyên đán cũng là một dịp hệ trọng. Vậy nên, mâm cúng tất niên cũng được chuẩn bị với nhiều món ăn như thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, bánh dày và bánh nếp, rượu và vàng mã…

Người Sán Dìu cúng tất niên với những món đặc trưng là thịt gà, thịt lợn luộc, bánh chưng, bánh con, chè, rượu, vàng mã…

Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh cúng tất niên với những món đặc trưng là thịt gà, thịt lợn, tôm, lạp sườn, lạp dục, rau xào, đậu phụ, dưa hành, rượu, vàng mã…

Như vậy, ngày Tết Nguyên đán với các dân tộc Việt Nam luôn là dịp trọng đại, mọi gia đình đều có gắng chuẩn bị mâm cúng với đầy đủ những món ăn cổ truyền. Người ta chuẩn bị mâm cúng với tấm lòng thành kính, vừa để dâng lên tổ tiên vừa để gia đình thưởng thức. Chính bởi những ý nghĩa như vậy, nên mâm cỗ tất niên cùng với không khí chuẩn bị đã đi vào trong ký ức của mọi người Việt, để mỗi khi đi xa đến dịp cuối năm lại mong muốn được quay về nhà đoàn viên.

Bài liên quan
  • Những điều kiêng kỵ trong ngày ông Công ông Táo
    Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp là ngày lễ ông Công ông Táo để gia chủ tỏ lòng biết ơn thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Trong ngày này, nhiều người thường mua sắm nhiều lễ vật nhưng cần lưu ý một số điều kiêng kỵ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mâm cúng tất niên ba miền của người Việt