Mạnh mẽ, đột phá phát triển nền nông nghiệp kỹ thuật cao

(Theo Hà Nội Mới)|24/03/2016 11:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

(Moitruong.net.vn) – Thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, nhiều ĐB TP.HCM tập trung phân tích, tìm giải pháp để giúp nền nông nghiệp nước ta vượt qua “thách thức kép” đang gặp phải.

Cần mạnh mẽ, đột phá để phát triển nông nghiệp

Biến đổi, tác động xấu của khí hậu dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân nhiều vùng miền trên cả nước. Nhận định đây là nguy cơ lớn, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế nước ta trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, các ĐB trong phần góp ý vào giải pháp phát triển kinh tế đều đưa ra nhu cầu bức thiết phải tái cơ cấu nền nông nghiệp nước ta một cách căn bản.

Là người đầu tiên phát biểu ý kiến về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, bài toán nông nghiệp đang nổi lên hai vấn đề mà lâu nay đã thấy rõ là rủi ro của thị trường đối với sản xuất. Và hiện nay là rủi ro tự nhiên mang lại, tạo thách thức kép, khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn trong phát triển nông nghiệp trong 5 năm.

IMG_0833

ĐB Lê Thanh Hải

ĐB Lê Thanh Hải đi thẳng vào đòi hỏi cấp bách phải phát triển nền nông nghiệp kỹ thuật cao. “Chúng ta đã có chủ trương, nhưng phải đưa ra được giải pháp mạnh mẽ, đột phá để giải quyết vấn đề này. Đất nước ta có đội ngũ đông đảo các khoa học, cộng thêm cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy huy động nguồn lực thì tôi hoàn toàn tự tin sẽ giải quyết được thách thức kép này” – ĐB bày tỏ.

“Dự báo tình hình về phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nay lại còn nhân tai. Do đó, nếu không có dự báo chính xác, có tầm nhìn dài hạn để đầu tư phát triển bền vững thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ “trắng tay” khi xâm nhập mặn ngày càng tăng cao tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Giải pháp đặt ra là phải nghiên cứu đắp đê bao, chuyển từ trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản hoặc tập trung nghiên cứu giống lúa chịu mặn… Việc hỗ trợ cho đời sống người dân chỉ là giải pháp tình thế” – ĐB Đỗ Văn Đương đề xuất.

ĐB Trần Hoàng Ngân cũng phân tích các giải pháp mà chính phủ đưa ra để phát triển đất nước trong giai đoạn 2016-2020 phải đặt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện đã hội nhập sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt để có các giải pháp phù hợp. Trong tái cơ cấu nền nông nghiệp nước ta có thể học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước bạn như Nhật Bản, Isarel… 

Tăng giá trị gia tăng của nền nông nghiệp bằng cây, con giống, đầu tư công nghệ và biến thành sản phẩm chế biến; cố gắng chi phối thị trường, kéo đầu tư nước ngoài là các giải pháp mà ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu ra.

Tinh giản bộ máy còn nhiều nhiêu khê

ĐB Võ Thị Dung nhận định Chính phủ, QH đã có chủ trương tinh giản bộ máy nhưng thủ tục thực hiện lộ trình này còn nhiều nhiêu khê. ĐB đề xuất nên để cho cơ quan địa phương chủ động và phải có phân cấp rõ ràng. Nếu để bộ máy càng lớn, nợ công và bội chi ngân sách không thể giảm được.

ĐB Trần Du Lịch cũng nêu thực trạng ở một số huyện, việc giảm biên chế thực chất là… hình thức bởi nhiều nơi cần người thì lại giảm biên chế, trong khi chỗ không cần thì lại tăng.

IMG_0808

ĐB Đỗ Văn Đương

“Nên dành quyền chủ động cho cơ quan tổ chức. Ở TƯ thì nên giao chỉ tiêu, còn giảm ai là quyền của mỗi cơ quan. Giảm được một người là khó lắm, nhưng khi đã quyết liệt thì sẽ phải giảm. Nên bớt tầng lớp cán bộ phong trào, đoàn thể trung gian, hô khẩu hiệu thì nhiều nhưng bắt tay làm thì ít. Phải coi trọng chuyên gia, trả lương xứng đáng cho họ thay vì chia đều lương cho nhiều người” – ĐB Đỗ Văn Đương phát biểu thẳng thắn.

(Theo Hà Nội Mới)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạnh mẽ, đột phá phát triển nền nông nghiệp kỹ thuật cao