“Mẹo” phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium Botulinum

Bảo Anh|09/09/2020 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngộ độc thịt Botulinum là bệnh ngộ độc thức ăn do ăn phải độc tố có sẵn của vi khuẩn Clostridium botulinum, một trực khuẩn có nha bào, kỵ khí tuyệt đối, tồn tại trong đất, phân động vật, ruột cá…

Ngộ độc thịt Botulinum là bệnh ngộ độc thức ăn do ăn phải độc tố có sẵn của vi khuẩn Clostridium botulinum, một trực khuẩn có nha bào, kỵ khí tuyệt đối, tồn tại trong đất, phân động vật, ruột cá… Bệnh thường xảy ra khi dùng thức ăn dự trữ như đồ hộp, lạp sườn, pate, xúc xích…

Botulinum được các nhà khoa học xếp vào nhóm các độc tố có hoạt tính mạnh, thời gian tác dụng cực nhanh. Nó phá hủy thần kinh trung ương và gây tử vong cao.

Ở dạng tinh thể, Botulinum có màu trắng. Ở dạng dung dịch, nó là một chất lỏng không màu, không mùi và không vị.

Theo các nhà khoa học, chỉ cần 1 gram tinh thể Botulinum, dù nuốt hay hít, có thể cướp đi sinh mạng của khoảng 1 triệu người. Nhưng cho tới nay, con người vẫn chưa thể sản xuất được tinh thể Botulinum do vấn đề về mặt cơ chế kỹ thuật.

Loại độc tố này sẽ bị phá hủy tại nhiệt độ trên 80 độ C trong 10 phút nhưng bao tử của vi khuẩn thì có một lớp vỏ bảo vệ kháng nhiệt, có thể tồn tại qua nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Độc tố Botulinum có thể được dung nạp qua dạ dày và đường hô hấp. Sớm nhất sau 2 tiếng hoặc muộn nhất là 8 ngày sau khi ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện.

Cách phòng tránh ngộ độc thịt

Để phòng, tránh ngộ độc botulinum, tại quyết định ban hành Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum do Bộ Y tế mới ban hành đã đưa ra những cách phòng, tránh ngộ độc đối với người tiêu dùng.

Cụ thể, Bộ Y tế cảnh báo người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.

Đồng thời, thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).

Những thực phẩm có nguy cơ nhiễm độc tố botulium do có lẫn bào tử C. botulinum khi chế biến không đúng cách

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).

Bên cạnh đó, ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín vì nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

Tại Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum của Bộ Y tế cũng nêu rõ: Ngộ độc thực phẩm do độ tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.

Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác. Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.

Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.

Các nhân viên y tế cần nâng cảnh giác khai thác bệnh sử, đưa vào chẩn đoán phân biệt đặc biệt với các tình trạng liệt ngoại biên, qua đó giúp chẩn đoán và điều trị sớm, dùng thuốc giải độc sớm nhất giúp cải thiện tình trạng ngộ độc.

Loại thực phẩm gây ngộ độc cổ điển là thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt). Tuy nhiên các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản,… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.

Xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn.

Bảo Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mẹo” phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium Botulinum