Miền Bắc có nguy cơ thiếu điện trong mùa khô 2024

Phúc Minh|22/02/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nguồn cung điện "nóng" ngay từ đầu năm khi Nam bộ nắng rát cả Tết Nguyên đán và kéo dài đến hiện nay. Đáng lo ngại, xu hướng nắng nóng dự báo còn kéo dài trong khi nhiều dự án mở rộng điện vẫn chưa đưa vào sử dụng kịp trong mùa khô này khiến nhiều người lo ngại nguy cơ thiếu điện tái diễn.

Theo Cục Điều tiết điện lực, nhằm tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp, từ ngày 18/2/2024, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than miền Bắc và truyền tải trên các cung đoạn đường dây 500kV Trung - Bắc, cung đoạn đường dây 500kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan để giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc.

Cùng với đó, A0 tiếp tục huy động nhà máy nhiệt điện Ninh Bình để giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc, đáp ứng cao điểm và đảm bảo an ninh cung cấp điện mùa khô; huy động nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để đảm bảo khả dụng hệ thống điện miền Bắc và tiết kiệm thủy điện (S2 hòa lưới ngày 13/2, S1 ngày 18/2).

thieu-dien.jpg
Ảnh minh họa

Ngoài ra, A0 đã huy động BOT Nghi Sơn 2 đảm bảo bao tiêu và tận dụng khả năng truyền tải để tiết kiệm thủy điện miền Bắc. Truyền tải trên cung đoạn 500kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 17,5÷37,2 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.302 MW.

Cục Điều tiết điện lực đánh giá, từ đầu tháng 2/2024 đến nay, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 48-99%, trừ hai thủy điện Thác Bà và Tuyên Quang có lưu lượng nước tốt hơn.

Ở miền Trung các hồ thủy điện có nước về tốt, hầu hết đều đạt xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, trừ một số hồ có nước về kém như: Quảng Trị, Bình Điền, Hương Điền, A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 2, Vĩnh Sơn A/B, Kanak, Sông Ba Hạ, Nam Kong 3, Ialy, ĐakRTih, Đồng Nai 3, Sông Côn 2A (chỉ đạt khoảng 18-98% trung bình nhiều năm).

Ở miền Nam các hồ thủy điện có nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm (từ 39-98%), trừ Đồng Nai 2, Hàm Thuận, Đa Nhim. “Hiện tại trên hệ thống không có hồ nào xả điều tiết”, Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Cục Điều tiết điện lực cho biết, để đảm bảo an ninh cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho hệ thống điện quốc gia trong tháng 2/2024 và các tháng tiếp theo, Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu tất cả các nhà máy điện bám sát kế hoạch sửa chữa thiết bị của nhà máy, đảm bảo khả dụng vận hành sau sửa chữa chuẩn bị cho mùa khô 2024.

Đồng thời, các nhà máy phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo cung cấp than ổn định với khối lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu phát điện của các nhà máy điện.

Cùng với đó có các biện pháp đảm bảo các nhà máy điện vận hành ổn định, đáp ứng yêu cầu phát điện của hệ thống. Ngoài ra, đối với các nhà máy sử dụng than nhập phải thường xuyên cập nhật tình hình thực tế để điều chỉnh kế hoạch nhập than phù hợp, đặc biệt là các nhà máy khu vực miền Nam.

Các nhà máy điện mặt trời/điện gió tham gia vào công tác hỗ trợ điều chỉnh điện áp trong chế độ phát công suất tác dụng; các nhà máy năng lượng tái tạo có chế độ Q at night cần tham gia hỗ trợ điều chỉnh điện áp trong chế độ thấp điểm đêm. Các tổ máy có khả năng chạy bù sẵn sàng được huy động để điều chỉnh điện áp và tăng quán tính hệ thống, hỗ trợ ổn định hệ thống điện;

Các đơn vị phát điện chủ động báo cáo, cung cấp thông tin khả thi, có tính chính xác về tình hình vận hành tổ máy, nguyên nhân sự cố, thời gian khắc phục, tồn kho than, dự kiến tiến độ và kế hoạch nhập than gửi A0, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà máy sẵn sàng phát điện nhưng thiếu nhiên liệu than không phát đủ công suất, để có cơ sở lập kế hoạch vận hành cho các tháng còn lại trong năm 2024.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình cung ứng điện mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 kịch bản cung ứng điện.

Cụ thể, kịch bản 1 là nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tương ứng tần suất 65%). Trong trường hợp này hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các ngày nắng nóng.

Với kịch bản thứ 2 khi lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023, tương ứng tần suất ~90%, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm tháng 6, tháng 7. Khi đó sẽ cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của 1 số khách hàng sử dụng nhiều điện sang thời điểm ngoài cao điểm.

Theo dự báo của các chuyên gia, miền Bắc vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu điện ít nhất trong vòng 2 năm tới, khi chưa có nguồn điện mới nào được bổ sung, vận hành tại khu vực này, trong khi nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng khoảng 10% mỗi năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Bắc có nguy cơ thiếu điện trong mùa khô 2024