Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tháng 3 này, không khí lạnh (KKL) hoạt động với cường độ không mạnh và chủ yếu lệch Đông gây trời rét tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, số ngày rét không kéo dài. Hiện tượng sương mù, sương mù nhẹ và mưa nhỏ, mưa phùn tập trung vào sáng sớm và đêm có thể xuất hiện nhiều ngày trong tháng.
Nắng nóng xuất hiện tại miền Đông Nam Bộ trong những ngày đầu tháng và có khả năng lan rộng trong những ngày cuối tháng.
Ảnh minh họa
Cụ thể, xu thế thời tiết 10 ngày đầu tháng có mưa vài nơi, sáng sớm và đêm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều có nắng. Từ khoảng đêm ngày 6/3 sang ngày 7/3 khả năng KKL lệch đông kết hợp với rãnh gió Tây ở 5000m làm tăng mưa tại Bắc Bộ.
Tổng lượng mưa (TLM) tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 15-30mm, vùng núi 30-50mm, có nơi cao hơn. Các nơi khác phổ biến ít mưa. Nhiệt độ Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C; Các khu vực còn lại phổ biến cao hơn 0,5-1 độ C so với giá trị trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
10 ngày giữa tháng: Nhiệt độ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn TBNN 1-2 độ C; Các khu vực còn lại xấp xỉ so với giá trị TBNN. TLM trên toàn quốc phổ biến xấp xỉ so với giá trị TBNN, riêng khu vực Nam Trung Bộ cao hơn TBNN từ 10-25%.
10 ngày cuối tháng: Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ, riêng tại Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và một số tỉnh thuộc biên giới Tây Nam Việt Nam – Campuchia có TLM cao hơn TBNN 15-25%.
Nhiệt độ trung bình tháng ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ C, khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có nơi cao hơn trên 2 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Nhiệt độ trung bình tại Thanh Hóa đến Huế phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ C so với TBNN. Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận có nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn 0,5 -1 độ C so với TBNN.
Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ trung bình phổ biến xấp xỉ trên so với TBNN cùng thời kỳ.
Minh Anh