– Đây là ý kiến chung của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo “Đánh giá tiềm năng khai thác và sử dụng bể than sông Hồng”, tổ chức sáng ngày 4/12/2018 tại Hà Nội.
>>> Ngân hàng thế giới đầu tư 200 tỷ USD chống biến đổi khí hậu
>>> Nhật Bản xuất khẩu công nghệ theo dõi sóng thần sang Indonesia
Ảnh minh họa.
Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo Đánh giá tiềm năng khai thác và sử dụng bể than đồng bằng sông Hồng vào ngày 4/12.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, những vấn đề quan trọng rất cần xin ý kiến của các nhà khoa học xung quanh bể than sông Hồng, đó là: Bể than có trữ lượng bao nhiêu? Có nên đánh giá toàn bộ trữ lượng mỏ than, hay trên cơ sở hiện tại đánh giá theo từng vùng, từ đó đề xuất thời gian tới khai thác thế nào.
Trên cơ sở vật chất, công nghệ khai thác, điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc khai thác thế nào là hợp lý? Nếu khai thác thì sử dụng công nghệ nào là hợp lý? Các vấn đề tác động đến môi trường (môi trường nước ngầm, nước mặt và các môi trường khác…), xã hội, an ninh như thế nào khi khai thác mỏ than…
Tiềm năng rất lớn….
Theo TS. Đào Văn Thịnh – Viện Địa chất và Môi trường, Tổng Hội Địa chất Việt Nam, bể than sông Hồng (BTSH) kéo dài khoảng 120 km từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến bờ biển vịnh Bắc Bộ, qua địa phận các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng và TP. Hà Nội. Khu vực tiềm năng có các vỉa than quy mô công nghiệp có thể khai thác vào khoảng 1.920 km2 thuộc địa bàn 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
TS. Thịnh dẫn số liệu từ kết quả Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền BTSH được thực hiện theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 20/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ cho biết, mục tiêu tài nguyên than cấp 333, 334a và 334b đạt 210 tỷ tấn trong đó tài nguyên cấp 333 đạt 10 tỷ tấn.“Như vậy BTSH có tiềm năng tài nguyên than rất cao, Nếu tính đến độ sâu – 3.500m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỷ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh” – ông Thịnh tính toán.
… nhưng khai thác vô cùng khó khăn
Đánh giá tiềm năng tài nguyên than của BTSH là rất lớn, song các chuyên gia cho rằng, điều kiện địa chất công trình và địa chất thuỷ văn của khu vực này khá phức tạp. Cụ thể, theo TS. Đào Văn Thịnh, trên phạm vi BTSH có các đứt gãy kiến tạo cỡ khu vực chạy qua và đa số là các đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy sinh chấn, gồm: Đứt gẫy sông Hồng, sông Chảy, sông Lô và Vĩnh Ninh. “Các đứt gãy đang hoạt động rất nguy hiểm bởi chúng có thể gây ra động đất, trượt, nứt đất, ảnh hưởng đến độ bền vững của đất, đá tác động đến các công trình xây dựng, gây hư hại các công trình hạ tầng cơ sở, các công trình ngầm…” – ông Thịnh phân tích.
Bên cạnh đó, bể than sông Hồng nằm trong vùng rất nhạy cảm về môi trường và xã hội (vùng đông dân cư có tập quán canh tác lúa nước; có nhiều khu đô thị đóng vai trò các trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội vô cùng quan trọng; nhiều khu công nghiệp, các công trình hạ tầng cơ sở, đang phát triển mạnh và đô thị hóa mạnh…).
Thừa nhận hiệu quả kinh tế của việc khai thác bể than sông Hồng rất khó xác định cụ thể, TS Đào Văn Thịnh nhấn mạnh, nếu khai thác bể than sông Hồng theo các công nghệ như đề cập trong Quy hoạch, nhất là phương pháp hầm lò truyền thống sẽ có nguy cơ xảy ra những sự cố môi trường và tai biến địa chất gây tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Chẳng hạn sụt lún địa hình, thay đổi mực nước ngầm,ô nhiễm không khí, nước, nhiễm mặn các tầng chứa nước dưới đất, thậm chí có thể làm thiệt hại đến tài nguyên khoáng sản khác (nước, nước khoáng, dầu khí, địa nhiệt…).
Về xã hội, khai thác than sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế-xã hội, phong tục tập quán, đời sống và văn hóa của cư dân, người dân mất đất canh tác, phải thay đổi sinh kế, di dân…Khai thác theo công nghệ khí hóa than ngầm ít tác động hơn tới môi trường, nhưng hiện tại Việt Nam chưa chủ động vận hành công nghệ này, hơn nữa việc kiểm nghiệm tác động của công nghệ này đòi hỏi thời gian dài. TS Đào Văn Thịnh lưu ý, chỉ khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng sau khi đã nghiên cứu kỹ các vấn đề một cách khoa học và khách quan.
Đặc biệt, theo vị chuyên gia, không khai thác bể than sông Hồng nếu điều kiện địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình không cho phép và kết quả khai thác thử nghiệm cho thấy tính rủi ro quá cao, hiệu quả kinh tế thấp, nguy cơ cao xảy ra các sự cố môi trường, có tác động xấu tới môi trường và xã hội.
ĐBSH nói chung và bể than sông Hồng nói riêng là khu vực đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng. Do đó, nếu khai thác bể than sông Hồng cần đặc biệt chú ý đến các điều kiện khí tượng-thủy văn và các yếu tố tài nguyên, xã hội khác nhằm chủ động ứng phó với các sự cố môi trường, tai biến địa chất có nguy cơ xảy ra.
Bích Thuần (t/h)