Mở đường bay thương mại nhưng phải đảm bảo phòng chống COVID-19

Hồng Anh|11/09/2020 13:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thủ tướng nêu rõ, đối với những chuyến bay từ nước ngoài vào thì từng bước, thận trọng nhưng không quá khắt khe; không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch mới.

Sáng 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 9 ngày qua, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng; số người chữa khỏi tăng lên hằng ngày, như vậy chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia. Chúng ta đã chỉ đạo tương đối bài bản, nhịp nhàng, chủ động, đã đẩy mạnh các biện pháp thực hiện mục tiêu kép. Và nhịp độ sản xuất kinh doanh hiện nay sôi động hơn.

Trạng thái bình thường mới được thiết lập. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tiếp tục đề cao cảnh giác, đặc biệt là ngành y tế, các bệnh viện. Ngành y tế luôn đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong quá trình này, đồng thời đề xuất các biện pháp kịp thời hơn trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép. Đối với những chuyến bay từ nước ngoài vào thì từng bước, thận trọng nhưng không quá khắt khe.

Trong tháng 9 sẽ mở một số đường bay thương mại, Thủ tướng đặt vấn đề chúng ta phải quan tâm đặc biệt điều gì trong các biện pháp thường triển khai như cách ly, xét nghiệm… một cách thuận lợi nhưng chắc chắn, không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.

Báo cáo về phương án đưa các chuyên gia, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, ngày 15/9 sẽ mở 4 đường bay từ Việt Nam đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đến ngày 22-9 sẽ mở thêm hai đường bay đến Campuchia và Lào. Sẽ có khoảng 20.000 người nhập cảnh vào Việt Nam trong tháng 9 này.

Theo ông Dũng, khách lên máy bay phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 5 ngày, khi vào Việt Nam cách ly tập trung 5-7 ngày. Trong thời gian này, khách sẽ được xét nghiệm PCR (phương pháp xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao) hai lần.

Người có kết quả âm tính tiếp tục cách ly tại nhà hoặc tại doanh nghiệp, đơn vị đủ 14 ngày dưới sự giám sát của địa phương. Trường hợp khách có dấu hiệu nhiễm nCoV sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Các chi phí cách ly, xét nghiệm do người nhập cảnh tự chi trả, không phân biệt quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài.

Đối với trường hợp khách quá cảnh vào nước thứ 3, nếu trong vòng 14 ngày có kết quả âm tính thì trước khi lên máy bay phải có xét nghiệm âm tính nCoV. Nếu không xét nghiệm tại sân bay, khách sẽ được xét nghiệm tại nơi lưu trú. Giá xét nghiệm PCR được đề nghị thống nhất trong cả nước là 1,2 triệu đồng mỗi lần.

Theo ông Dũng, các địa phương trong danh sách tiếp nhận người nhập cảnh đã lên phương án, sẵn sàng mở các khách sạn, cơ sở lưu trú, đáp ứng đủ cho 20.000 khách. Trong thời gian lưu trú, khách được yêu cầu cài đặt phần mềm giám sát việc di chuyển, tiếp xúc để giám sát chặt chẽ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay hầu hết các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều yêu cầu người nhập cảnh phải có Giấy xét nghiệm không dương tính nCoV trước khi nhập cảnh (từ 2 tới 5 ngày), cách ly 14 ngày và có thể lên tới 21 ngày sau khi nhập cảnh (tại nhà hoặc cách ly tập trung).

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.059 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 402 ca từ nước ngoài, 657 ca mắc trong nước; có 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng.

Về tình hình xét nghiệm, từ 23/7-08/9, thực hiện 625.431 xét nghiệm trong tổng số 1.063.656 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch (chiếm 58,8%). Hiện nay, tổng số người đã được xét nghiệm là 1.239.174 lượt người.

Hồng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở đường bay thương mại nhưng phải đảm bảo phòng chống COVID-19