(Moitruong.net.vn) – Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, nhiều năm nay nghề nuôi tôm ở Hà Tĩnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là lượng nước thải, chất thải ra môi trường hàng năm rất lớn.
Cùng với sự phát triển mạnh của nghề nuôi TTCT là lượng chất thải rất lớn xả ra môi trường
“Tính sơ bộ, với 500ha nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thâm canh và siêu thâm canh trên cát, mật độ trên 120 con/m2 thì lượng nước thải và chất thải ra môi trường hàng năm là rất lớn. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở nuôi, vùng nuôi chưa có hệ thống xử lý nước thải ao nuôi đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường”, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết.
HTX Nuôi trồng và chế biến thủy sản Xuân Thành là cơ sở nuôi tôm lớn, tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong việc nuôi TTCT nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Năm 2016, HTX được Viện Nước, tưới tiêu và môi trường chọn làm thí điểm áp dụng mô hình xử lý nước thải cho khu nuôi TTCT.
Quy trình xử lý gồm 3 bước, bước 1 nước thải được đưa vào ao lắng để tách bùn, thời gian lắng từ 30 – 60 phút (tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm và lượng bùn trong nước thải). Bước 2, nước sau khi lắng bùn được trữ tại ao xử lý 1 có trồng rong biển, thời gian lưu nước từ 5 – 7 ngày, sau đó được tháo sang ao xử lý 2 để tiếp nhận nước thải mới. Bước 3, nước thải trong ao 2 được nhận từ ao 1 và được lưu 5 – 7 ngày mới thải ra môi trường hoặc tái sử dụng. Tại ao 2 có trồng rong biển và nuôi vẹm xanh với mật độ rong 700gr/m2 và vẹm 30 con/m3 nước.
Nước thải sau khi xử lý theo công nghệ 3 ao đảm bảo chất lượng nước nằm trong ngưỡng cho phép xả thải theo QCVN 02-19:2014/BNN&PTNT. Đây là mô hình xử lý nước bằng phương pháp sinh học khá đơn giản, dễ thiết kế, vận hành, không tốn nhiều diện tích, vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa góp phần phát triển bền vững nghề nuôi TTCT.
Anh Hồ Quang Dũng, Chủ nhiệm HTX Xuân Thành chia sẻ: “Mô hình xử lý nước thải theo công nghệ 3 ao khá hiệu quả. HTX tiến hành thả cá rô phi và cá chẽm trong ao xử lý nước thải và vẫn sinh sống tốt. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ mới thực hiện trong phạm vi một HTX nên cần thiết phải nghiên cứu ở những vùng có điều kiện tương tự để khẳng định hiệu quả và nhân rộng mô hình”.
Theo Nông nghiệp