(Moitruong.net.vn)– Việc nuôi thành công vịt biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi vịt của tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi nuôi vịt biển là người tiêu dùng còn e dè với loại thực phẩm mới này, do đó việc tiêu thụ còn hạn chế.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển mô hình nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vịt biển là đối tượng nuôi mới, khả năng sống cao, hao hụt thấp và tăng trọng nhanh. Đặc biệt, giống vịt mới này thích nghi tốt trên những vùng đất nhiễm mặn. Việc nông dân nuôi thành công vịt biển mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi vịt của tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chọn gần 10 hộ dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiễm phèn như xã Tân Phước (huyện Tân Thành), xã An Ngãi (huyện Long Điền), xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ), xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), phường Phước Trung (TP.Bà Rịa)… triển khai nuôi thí điểm vịt biển với tổng chi phí hỗ trợ gần 25 triệu đồng/hộ.
Theo đó, người chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật hướng sẽ dẫn cách sử dụng thuốc thú y, men sinh học, tiêm phòng vắc-xin (viêm gan, dịch tả, H5N1) và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng vịt biển từ 1 ngày tuổi đến khi xuất bán. Qua khảo sát, sau 70 ngày nuôi, vịt tăng trọng tốt, cân nặng bình quân 2,7 – 2,8kg/con, giá bán khá cao, mở ra cơ hội chăn nuôi mới cho nông dân tại tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
Ông Phạm Văn Hai (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền, là một trong số các hộ tham gia nuôi thí điểm vịt biển) cho biết, vịt biển rất dễ nuôi, khả năng sống cao, hao hụt thấp, ít tiêu tốn thuốc chữa bệnh và tăng trọng nhanh. Đặc biệt, giống vịt mới này thích nghi tốt trên những vùng đất nhiễm mặn và có khả năng tự săn mồi cao. Sau giai đoạn úm, ban ngày, ông lùa vịt xuống đầm để kiếm thức ăn, ban đêm lùa lên bờ ngủ. Kỹ thuật nuôi vịt biển đơn giản, tỷ lệ sống có thể đạt 90-95%. Đặc biệt, chất lượng thịt thơm, ngon.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Cấp (phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) cũng là một trong số những hộ được hỗ trợ nuôi thí điểm 500 con vịt biển. Theo ông Cấp, ngoài việc có sức đề kháng cao, hao hụt thấp, một trong những ưu điểm lớn nhất của vịt biển là chi phí nuôi thấp. Ông Cấp cho biết: “Tôi nuôi vịt biển ở các hồ trên địa bàn nên tận dụng được nguồn thức ăn tạp. Do đó, chi phí giảm 20-30% so với nuôi các loại vịt thông thường. Sau 2 tháng nuôi, mỗi con vịt nặng khoảng 2,5 – 2,7kg. Với giá bán 45 ngàn đồng/kg, tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng/vụ”.
Tuy nhiên, theo một số hộ tham gia mô hình, khó khăn lớn nhất khi nuôi vịt biển là người tiêu dùng còn e dè với loại thực phẩm mới này, do đó việc tiêu thụ khá khó khăn. Ông Hoàng Văn Xanh, người nuôi vịt biển ở ấp Phước Lợi (xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) cho biết: “Lượng vịt tiêu thụ chủ yếu dựa vào việc thu mua của thương lái nhỏ lẻ, mỗi lần chỉ bán được 20-30 con nên sức tiêu thụ khá chậm. Do đó, dù có lãi khá (2-3 triệu đồng/100 con) nhưng tôi chưa dám đầu tư tăng đàn. Sau này, nếu đầu ra ổn định, tôi sẽ xem xét tăng số vụ nuôi vịt biển”.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vịt biển là đối tượng nuôi mới, đòi hỏi người chăn nuôi phải chọn mua con giống tốt, chăm sóc, nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật. Với khả năng thích nghi cao ở vùng ven biển khi nguồn nước ngọt, nước lợ khan hiếm vào mùa khô, thì việc nuôi vịt biển sẽ giúp cho bà con nông dân ở địa phương tăng thêm nguồn thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Phó Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, việc nuôi thành công vịt biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi vịt, đặc biệt là phát triển kinh tế vùng ven biển, đầm, cửa sông… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của vịt biển vẫn còn khó khăn, người dân chăn nuôi chủ yếu bán cho thương lái nhỏ lẻ. Do đó, trước khi mở rộng diện tích và tăng số lượng nuôi, nông dân cần tham khảo kỹ nhu cầu thị trường, tránh tăng đàn ồ ạt khiến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá cả. Bên cạnh đó, khi nuôi vịt biển, bà con cần chú ý đến việc tránh gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các loại thủy sản khác.
Linh Lan (T/h)