Một ngày bình yên ở thung lũng Mai Châu

Trịnh Viết Hiệp|05/09/2019 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – So với các địa danh nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch như Sapa, Đà Lạt…, Mai Châu (Hòa Bình) lâu nay lại mang vẻ đẹp riêng của… thiếu nữ miền sơn cước mộc mạc.

Trong mắt biết bao du khách, Mai Châu luôn mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng đằm thắm. Thị trấn nhỏ bé mang trong mình nét duyên thầm như có sức hút lạ kỳ với bất cứ ai đã từng một lần ghé qua.

Một góc bản Lác – Mai Châu

Nằm ở độ cao từ 200 – 1.500 mét, so với mực nước biển, cách Thủ đô Hà Nội chừng 160km, thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình từ lâu vẫn được xem là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp tìm hiểu văn hóa rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Là nơi quần tụ sinh sống của 5 dân tộc anh em, trong đó người Mường và người Thái trắng chiếm đại đa số. Mai Châu nằm trọn trong một vùng lòng chảo rộng, giữa những ngọn núi cao bao quanh. Chẳng thế mà, giữa màu xanh bát ngát của những cánh đồng lúa hòa quyện với màu xanh của núi rừng và thấp thoáng trong sương mờ những bản làng bên lưng đồi tạo nên một thị trấn nên thơ trữ tình. Khí hậu nơi đây luôn mát mẻ hơn so với các nơi khác vào mùa hè, và ấm hơn vào mùa đông. Chẳng vậy mà du khách ngày càng biết nhiều và thích thú tới điểm du lịch nghỉ dưỡng này là điều dễ hiểu.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, bà con các dân tộc ở Mai Châu đã biết hướng tới làm du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng. Phát huy thế mạnh, sử dụng các ngôi nhà sản cổ khá rộng rãi, thoáng đãng để các gia đình làm du lịch, phát triển kinh tế. Chính điều này đã tạo nên “đặc sản” du lịch hấp dẫn nhất hút khách tới Mai Châu. Các ngôi nhà sàn được dựng theo một mô típ tương đối giống nhau. Bản Lác 1, bản Lác 2, bản Pom Coọng hầu hết các ngôi nhà đều giữ được nét nguyên sơ của các ngôi nhà cổ. Nhiều ngôi nhà sàn có tân trang cho cao, thoáng đãng, phục vụ làm du lịch nhưng vẫn tuân thủ kiến trúc xưa cũ. Các nhà sàn đều được làm khung, sàn, tường bằng gỗ, mái lợp lá cọ, hoặc ngói ta. Sàn của ngôi nhà thường cao cách mặt đất khoảng trên 1,5 mét đến 2 mét. Bởi theo lối thiết kế truyền thống, phía dưới của ngôi nhà để cất giữ các nông cụ lao động sản xuất, nuôi nhốt gia súc…

Giờ đây, khoảng không gian phía dưới ngôi, người ta đặt khung cửi dệt vải, để bày biện các loại đồ lưu niệm bán cho khách tham quan. Phía trên là nơi sinh hoạt của gia đình, cũng như dùng làm nơi đón khách nghỉ dưỡng. Vì vậy, các ngôi nhà đều được trang hoàng rất đẹp. Bên lối cầu thang lên xuống treo các giỏ hoa lan rừng đủ sắc màu tạo nên sự mềm mại cho ngôi nhà. Hành lang dẫn vào chính giữa của ngôi nhà và dọc theo các khung cửa sổ rộng cũng được bài trí các chậu, giỏ hoa lan, hoa leo, giúp khách tham quan có khoảng không đón gió,hít hà hương vị trong lành từ thiên nhiên núi đồi.

Nhắc đến Mai Châu không thể không nhắc đến những chum rượu cần dược ngâm bằng men lá cùng với món cơm lam thịt nướng, những hương vị đặc sản của núi rừng mộc mạc, bình dị nhưng làm nên nét văn hóa ẩm thực riêng ở không đâu có được. Ngoài ra, thực khách sẽ không thể nào quên được hương vị của xôi nếp nương, măng đắng xào, cá suối nướng, gà bọc lá dong nướng lụi… Một bữa tiệc “xông” nhà làm quen giữa khách và chủ như vậy thường được miễn phí.

Khách và chủ say trong men rượu cần

Không chỉ vậy, du khách còn được trải nghiệm nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng vui nhộn, hấp dẫn. Điệu xòe Thái, cùng các làn điệu dân ca tình tứ mê đắm lòng người, hay các điệu nhảy sạp rộn ràng…. Các cuộc sinh hoạt, giao lưu văn hóa có thể diễn ra trên chính ngôi nhà sàn, cũng có thể diễn ra tại khoảng đất trống giữa quần thể các ngôi nhà sàn, và cũng có thể tại một bãi đất trống nào đó. Nhưng vui và hấp dẫn hơn cả có lẽ là cuộc giao lưu diễn ra theo mô hình cộng đồng nhiều người trong đêm tối bên ánh lửa bập bùng, xung quanh vang lên điệu múa, câu hát làm bừng sáng khắp bản làng, núi rừng…

Trịnh Viết Hiệp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một ngày bình yên ở thung lũng Mai Châu