Dưới đây là những bệnh thường gặp lúc giao mùa:
Cảm cúm
Mỗi năm, người trưởng thành đều có thể bị cảm cúm 2-4 lần với những biểu hiện thông thường là đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể.
Theo khuyến cáo các bác sĩ, khi người bị cảm cúm có triệu chứng sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể… kéo dài, cần phải uống thuốc và điều trị tích cực, nếu không có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là đối với hệ thống tim mạch như gây ra viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hô hấp, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, viêm cầu thận cấp tính, tai mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang , viêm họng…
Ảnh minh họa
Dị ứng da
Bệnh dị ứng da là tình trạng hệ miễn dịch của người bệnh phản ứng với những chất hoặc tác nhân tự nhiên thường không gây hại nhưng có nhiều người bản thân cơ địa đặc biệt dễ phản ứng nên gây nên những tác động tới da.
Bệnh dị ứng da thường chia làm nhiều loại như: Viêm da dị ứng, dị ứng nổi mề đay, dị ứng thực phẩm, den suyễn và sốc phản vệ.
Dị ứng da gặp phải ở rất nhiều người nhưng nhiều người không quan tâm tới nguyên nhân gây bệnh nên đôi khi chính bản thân lại khiến cơ thể bị phản ứng gây nên dị ứng. Trong các nguyên nhân gây ra bệnh dị ứng da cần lưu ý nhiều tới gen và môi trường.
Hệ miễn dịch được coi là hiệp sĩ của cơ thể giúp bảo vệ và chống lại những tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn. Nhưng một khi hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ phản ứng mạnh hơn bình thường với các chất thông thường, histamine được tạo ra gây nên những triệu chứng của bệnh dị ứng.
Bệnh hô hấp
Trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, người lớn tuổi hay có bệnh mãn tính đi kèm và phụ nữ mang thai chính là những đối tượng dễ mắc các bệnh lý về hô hấp vào thời điểm giao mùa. Viêm đường hô hấp trên là chứng bệnh thường gặp hàng năm, dễ mắc và tái diễn nhiều lần.
Trung bình 1 năm người trưởng thành có thể bị viêm đường hô hấp trên từ 2 – 4 lần, con số này cao hơn rất nhiều với trẻ em. Theo thống kế của Bộ Y tế nước ta, mỗi năm trẻ em có thể mắc phải bệnh này khoảng 10 lần.
Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, tình trạng viêm đường hô hấp trên có thể gây tử vong do đồng nhiễm với bệnh đường hô hấp dưới gây nên biến chứng như viêm tim, viêm não, thấp khớp cấp, viêm cầu thận.
Trong khi đó, viêm phổi xảy ra khi tác nhân gây bệnh vượt qua hàng rào bảo vệ cơ thể và xâm nhập vào trong đường hô hấp. Lúc này sự tích tụ của bạch cầu, mầm bệnh và các protein miễn dịch trong phế nang khiến chúng bị viêm, tích dịch dẫn tới khó thở gây nên bệnh viêm phổi.
Đau xương khớp
Đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến mà nhiều người mắc phải. Theo thống kê của Hội Thấp khớp học Việt Nam, tỷ lệ người bệnh có biểu hiện đau nhức toàn thân chiếm khoảng 0,5% dân số nước ta, gặp ở cả người trẻ tuổi và người già, phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Thời tiết thay đổi sẽ tác động đến việc tuần hoàn máu, độ trơn nhớt của lượng dịch khớp hay nồng độ các chất trong cơ thể. Áp suất khí quyển, nhiệt độ tăng hoặc giảm sẽ làm thay đổi chất lượng dịch khớp, gia tăng tình trạng viêm, sưng, đau khớp. Mặt khác, đây cũng là lý do khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm, làm bệnh nhân càng thêm khó chịu.
Đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ thực chất là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh thường xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc cấp như vi rút, vi khuẩn, có thể do tác nhân môi trường, hóa chất. Vào mùa dịch thì bệnh chủ yếu do nhiễm vi rút adenovirus.
Theo bác sĩ, bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị sưng nề mi mắt, cảm thấy cộm xốn, chảy nước mắt và đặc biệt là chảy nhiều ghèn.
Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng nặng như: nhiễm trùng mắt, viêm loét giác mạc, thủng giác mạc, viêm tổ chức tại mắt hoặc nặng nhất có thể gây mù mắt.
Suy tim
Những người có bệnh lý về tim mạch thường bị lại vào giao mùa thu. Nguyên nhân là khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi khí hậu, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng cho tim mạch, đặc biệt là suy tim.
Sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất dễ lây lan và thường gây thành dịch lớn do vi rút sởi gây ra. Người là ổ chứa duy nhất. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 – 18 ngày, trung bình 10 ngày. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín. Thời kỳ lây truyền bệnh từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban.
Dạ dày
Bệnh dạ dày, viêm đại tràng cấp và mạn tính thường có liên quan mật thiết đến ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm. Với bệnh viêm loét dạ dày – hành tá tràng tuy có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu là vi khuẩn Helicobacter Pylori, dùng một số thuốc làm ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày (thuốc điều trị khớp, thuốc giảm đau, hạ sốt) hoặc uống quá nhiều rượu, khi thời tiết khô hanh, lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh này phát triển.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vào mùa thu, những người có bệnh dạ dày sẽ tăng nguy cơ và tái phát triệu chứng do sự kích thích của không khí lạnh, lượng histamin trong máu tăng lên, dịch vị trong dạ dày bài tiết nhiều, đường tiêu hóa bị co bóp mạnh làm giảm sức đề kháng làm bệnh xuất hiện và tăng nặng thêm.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi là ngộ độc thức ăn hay trúng thực là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống, người bệnh ăn phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc, chất bảo quản, phụ gia…
Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng…Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe (có thể dẫn đến tử vong) mà còn khiến tinh thần con người mệt mỏi.
Trong giai đoạn thời tiết đang chuyển sang mùa hè như hiện nay, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các dịch bệnh truyền qua thực phẩm đặc biệt trong các bữa tiệc đông người là rất cao.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục ATVSTP khuyến cáo người dân cần thực hiện lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn như lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn; thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa sạch, gọt vỏ rau quả trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín; bảo quản đúng cách thức ăn sau khi nấu chín; đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng.
Mai An