Theo bà Lê Thị Xuân Lan – Nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mưa đá tại TP.HCM không phải xảy ra lần đầu. Trong một số năm mùa khô kéo dài cũng từng xảy ra hiện tượng trên.
Mưa đá xảy ra tại vùng đồng bằng là khá bất thường, kích thước hạt mưa đá từng ghi nhận khoảng 0,5-1cm.
Mưa đá tại khu vực quận 12, TP.HCM vào chiều 25-4 – Ảnh chụp từ video của bạn đọc Nguyễn Phước Thọ
“Trong tháng 3 cũng xảy ra nắng nóng nhưng không oi bức bằng tháng 4. Nguyên nhân do sau ngày Xuân phân (21-3), mặt trời dịch chuyển từ Nam bán cầu lên Bắc bán cầu, TP.HCM nói chung và Nam Bộ nói riêng nằm gần xích đạo nên thời tiết sẽ nóng, oi bức hơn.
Khi thời tiết nóng hơn, hơi nước bốc lên nhiều hơn và bị đẩy lên cao và hình thành mây đối lưu. Càng lên cao càng lạnh nên các hạt hơi nước bị đóng băng. Nhiều hạt như vậy bám vào nhau và rơi xuống tạo thành mưa đá“, bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, hiện tại lượng ẩm vẫn đang tăng nên trong thời gian tới vẫn có khả năng xảy ra mưa đá ở một vài nơi trong giai đoạn chuyển mùa này. Ngoài ra thời tiết còn xuất hiện một số hình thái thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, dông sét, vòi rồng.
Minh Anh (T/h)