Mực nước hồ thủy điện Hòa Bình chỉ đạt 89% trung bình nhiều năm

Theo TTXVN|06/05/2020 00:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, hiện nay, tình hình thủy văn hết sức bất lợi, lượng nước tích của các hồ cuối năm trên lưu vực sông Đà đều thiếu hụt kỷ lục.

Tổng lượng nước về hồ Hòa Bình trong 4 tháng đầu năm 2020 ở mức rất thấp chỉ đạt 4.167 triệu m3 bằng 89% so trung bình nhiều năm và là năm thấp nhất so cùng kỳ kể từ khi đưa hồ thủy điện Sơn La vào vận hành năm 2011.

Đến thời điểm cuối tháng 4 năm 2020, sản lượng điện sản xuất của công ty chỉ đạt 1,387 tỷ kWh, bằng 16,8 % so với kế hoạch năm (8,259 tỷ kWh) bằng 67,8% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (2,046 tỷ kWh) và cũng là năm có sản lượng điện sản xuất kém nhất.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản số 1086/BTNMT-TNN ngày 04/3/2020 và gần đây nhất là văn bản số 2253/BTNMT-TNN ngày 24/4/2020 đồng ý để EVN giảm lưu lượng xả xuống hạ du, giúp giảm bớt khó khăn cho Công ty trong việc điều tiết xả nước xuống hạ du do lượng nước về thiếu hụt rất nghiêm trọng. Thực tế, mực nước hồ liên tục giảm hiện tại chỉ còn cách mực nước chết 7m.

Trước tình hình diễn biến cực đoan của thời tiết, nguồn nước thiếu hụt và cạn kiệt như hiện nay, ông Minh cho hay, công ty kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng vùng hạ du Đồng bằng sông Hồng để giảm phụ thuộc vào nguồn xả nước từ hồ chứa thủy điện Hòa Bình.

Cùng với đó Nhà máy nước Sông Đà cải tạo hệ thống kênh dẫn nước hoặc bổ sung trạm bơm dã chiến bơm nước để chủ động không phụ thuộc vào việc xả nước của Công ty Thủy điện Hòa Bình. Cùng với đó, vùng hạ du cần sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước trong bối cảnh diễn biến thời tiết, thủy văn cực đoan như hiện nay.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nằm trên bậc thang cuối cùng của hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà, trong mùa mưa bão, việc xả lũ có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sông Hồng, an toàn của thủ đô Hà Nội. Do vậy, việc chuẩn bị cho phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được Công ty Thủy điện Hòa Bình hết sức chú trọng. Hiện tại mặc dù vẫn đang thực hiện chống hạn, tuy nhiên việc ứng phó thiên tai năm 2020 được Công ty quán triệt, không được phép chủ quan.

Ngay từ đầu năm, công ty đã thực hiện kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hoàn thiện các phương án, Quy chế phối hợp… với các Ban, ngành của địa phương, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tỉnh Hòa Bình về ứng phó thiên tai để sẵn sàng đón lũ trong mùa lũ năm 2020.

Hiện tại, Công ty đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN tại Hòa Bình để hoàn thành trước mùa mưa bão (15/6) công tác sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thiết bị liên quan trực tiếp đến chống lũ bão như: các tổ máy; công trình đập tràn xả lũ, hệ thống điện tự dùng, thiết bị thông tin liên lạc…

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW (8x240MW); sản lượng điện trung bình khoảng 10 tỷ kWh điện/năm. Mỗi năm, Thủy điện Hòa Bình đóng góp từ 1.000 – 1.400 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh Hòa Bình…

Theo TTXVN

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mực nước hồ thủy điện Hòa Bình chỉ đạt 89% trung bình nhiều năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.