Mực nước sông Mekong giảm đáng lo ngại vì đập thủy điện của Trung Quốc

Hà Anh|18/02/2021 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ủy hội sông Mekong (MRC) vừa cho hay, mực nước trên sông Mekong đã giảm đáng kể tính từ đầu năm 2021 do lượng mưa thấp, dòng chảy thay đổi ở thượng nguồn, hoạt động thủy điện trên các nhánh sông Mekong và hạn chế dòng chảy từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc).

Trên một đoạn sông Mekong ở biên giới Thái Lan – Lào, nước đã chuyển từ màu nâu bùn sang màu xanh dương. Màu xanh dương của nước cho thấy dòng sông đã sắp cạn và trong nước không còn nhiều phù sa, Ủy hội Sông Mekong (MRC) ngày 12/2 phát đi thông báo, Reuters đưa tin.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đang hạn chế dòng chảy về hạ nguồn, MRC cho biết.

Đầu tháng 1, đập Cảnh Hồng xả ra lượng nước 758 m3/s. Con số này tăng lên 1.400 m3/s vào giữa tháng 1. Tuy nhiên, lượng nước xả một lần nữa giảm xuống vào đầu tháng 2. Trong ngày 11/2, lượng nước xả ra vào khoảng 800 m3/s, theo MRC.

Những bãi bồi nổi lên ở phần sông Mekong thuộc biên giới Thái Lan – Lào trong ảnh chụp từ tỉnh Nong Khai (Thái Lan) tháng 10-2019 – Ảnh: REUTERS

Bộ Thủy lợi Trung Quốc hồi đầu tháng 1 thông báo cho 4 quốc gia hạ lưu sông Mekong rằng lưu lượng từ trạm Cảnh Hồng sẽ bị hạn chế ở mức 1.000 m3/s từ ngày 5 đến 24/1, do hoạt động bảo trì đường dây tải điện. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ mực nước sông trước khi hạn chế dòng chảy, cũng như mức lưu lượng được khôi phục sau đó.

“Việc mô hình dòng chảy này tiếp diễn có thể tác động đến hoạt động vận tải trên sông, di cư của các loài cá, nông nghiệp, thu hoạch rong tảo dưới sông. Để giúp các nước vùng hạ lưu sông Mekong quản lý rủi ro hiệu quả hơn, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính những quốc gia này chia sẻ các kế hoạch xả nước với ủy hội”, tiến sĩ Winai cho hay.

Chiang Saen, trạm quan trắc đầu tiên trên sông Mekong ở Thái Lan, nằm cách trạm Cảnh Hồng khoảng 300 km, đã chứng kiến mực nước giảm mạnh khoảng 1 m trong khoảng thời gian 2-4/1. Tại Việt Nam, đoạn từ trạm Tân Châu đến Châu Đốc thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều hàng ngày. Mực nước ở hai trạm dao dộng trên dưới các mức trung bình dài hạn kể từ tháng 11 năm ngoái.

Do mực nước thấp, trầm tích ở đáy sông giảm dần và sự xuất hiện của tảo, đoạn sông Mekong thuộc tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan gần đây bắt đầu chuyển màu xanh lam, hiện tượng từng xảy ra hồi cuối năm 2019.

Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, bảo đảm sinh kế cho gần 200 triệu người trong ngành nông nghiệp và thủy sản.

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mực nước sông Mekong giảm đáng lo ngại vì đập thủy điện của Trung Quốc