Mỹ cam kết hỗ trợ các quốc gia giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Bảo An|05/03/2021 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự kiến trong những tháng tới Mỹ sẽ tập hợp “các nền kinh tế lớn nhất thế giới” để thúc đẩy tăng cường nỗ lực trong vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là giảm lượng phát khí thải.

Mỹ sẽ hỗ trợ các nước khác giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và hỗ trợ nhân đạo cho những đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai.

Nội dung này đã được nêu trong tài liệu “Hướng dẫn chiến lược trung hạn về an ninh quốc gia” được công bố trên trang web của Nhà Trắng ngày 3/3.

Tài liệu này nêu rõ “Cuộc khủng hoảng khí hậu đã hình thành trong nhiều thế kỷ. Mỹ và thế giới sẽ phải đối mặt với điều kiện thời tiết và môi trường ngày càng khắc nghiệt. Nếu chúng ta không hành động ngay lập tức thì sẽ bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để tránh được những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khỏe con người, kinh tế và an ninh.”

Dự kiến trong những tháng tới, Mỹ sẽ tập hợp “các nền kinh tế lớn nhất thế giới” để thúc đẩy những nước này tăng cường nỗ lực trong vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là giảm lượng khí thải CO2.

Băng trôi trên vùng biển phía đông Greenland

Được biết, ngày 25/2/2021, một nhóm các nhà khoa học từ Đức, Ireland và Anh đã đi đến kết luận ghi nhận tốc độ lưu chuyển chậm chưa từng có trong hơn một trăm năm qua của hệ thống đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) và thành phần chính của nó là dòng hải lưu Gulf Stream (hay còn gọi là dòng Vịnh)

Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng việc dòng hải lưu Gulf Stream chảy chậm có liên quan đến những thay đổi trong hệ thống khí hậu do hoạt động của con người gây ra. Trong số những hậu quả chính phải kể đến đợt lạnh giá kỷ lục ở Bắc Đại Tây Dương, nơi sau một trăm năm qua đã hình thành khu vực được gọi là “đốm lạnh” (cold blob), ngăn chặn sự lưu chuyển lượng nhiệt cũng như tình trạng mực nước biển dâng cao ở bờ đông nước Mỹ.

Theo người đứng đầu chương trình khí hậu của Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) Alexei Kokorin, việc dòng hải lưu Gulf Stream lưu chuyển chậm chỉ là hiện tượng cục bộ.

Trước đó, ngày 19/2/2021, Mỹ – quốc gia có lượng khí thải CO2 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã chính thức tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, động thái cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực đưa nước Mỹ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris vào tháng 11/2020 dưới thời Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức từ 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất nóng lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn cùng với các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn.

Bảo An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mỹ cam kết hỗ trợ các quốc gia giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.