Nghiên cứu mới đây cho thấy nước Mỹ cứu được 26.610 mạng người trong một thập kỷ nhờ chuyển từ than sang gas làm nhiên liệu cho sản xuất điện.
Việc đóng cửa hàng chục nhà máy điện than trên khắp nước Mỹ đã giảm các chất gây ô nhiễm vốn ảnh hưởng lớn đến các cộng đồng xung quanh, giảm số người chết vì các bệnh tim mạch và hô hấp.
Từ 2005-2016, việc giảm sử dụng than đã cứu sống 26.610 mạng người, theo nghiên cứu của Đại học California.
Điện than ở Mỹ đã giảm trong những năm gần đây, với 334 nhà máy dừng hoạt động trong khoảng thời gian trên. Đồng thời, 612 nhà máy dùng khí thiên nhiên đi vào hoạt động.
Mỹ cứu mạng hơn 26.000 người nhờ đóng cửa các cơ sở năng lượng than. Ảnh: AP.
Theo báo cáo, các nhà máy nhiệt than trên được thay thế bằng các nhà máy điện khí, thải ra ít chất độc hại hơn. Báo cáo cho biết 138 nhà máy than với hơn 300 tổ máy dừng hoạt động, giúp giảm hơn 300 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2) gây hiệu ứng nhà kính đồng thời giúp lượng phát thải nitrogen dioxide (NO2) và sulfur dioxide (SO2) giảm mạnh lần lượt ở mức 60% và 80%.
Các nhà máy nhiệt điện than phát thải các chất gây ung thư như thủy ngân và tro bụi độc hại vào không khí, đất đai và nguồn nước, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân sống lân cận.
Ô nhiễm khí than là nguyên nhân dẫn đến bệnh hen suyễn, bệnh tim, ung thư và gây tổn thương cho các hệ thống miễn dịch, tiêu hóa và thần kinh của con người, khiến người dân sống gần các nhà máy nhiệt điện than đối mặt với nguy cơ tử vong sớm. Do vậy, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than sẽ ngăn chặn giảm rủi ro này.
Báo cáo của Phó giáo sư Jennifer Burney được thực hiện rất công phu. Bà đã tập hợp dữ liệu lượng khí thải ở các hạt trên khắp nước Mỹ, nơi có các nhà máy nhiệt điện than trước và sau khi đóng cửa từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), đồng thời tiếp cận Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) để thu thập dữ liệu về số lượng người tử vong ở các hạt có các nhà máy nhiệt điện than.
Bà nhận thấy rằng tỷ lệ tử vong chênh lệch rất rõ ràng ở thời kỳ trước và sau khi các nhà máy nhiệt điện than đóng cửa.
Báo cáo của Burney cho biết sự suy giảm ô nhiễm nhiệt điện than không chỉ giúp bảo vệ mạng sống người dân mà còn giúp bảo vệ các loại cây trồng như ngô, đậu nành nhờ năng suất không bị giảm do tro bụi bám trên lá cản các cánh đồng hấp thụ ánh nắng.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy nếu thế giới muốn tránh các hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu, cần phải nhanh chóng thay thế than và gas bằng các nguồn có carbon trung tính như điện Mặt Trời hay điện gió.
Than là nguồn năng lượng để sản xuất điện lớn nhất thế giới, đóng góp gần 40% tổng sản lượng điện toàn cầu mỗi năm. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tỷ trọng này vẫn duy trì trừ khi một số nước ở châu Á cam kết chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng khác. Than không còn là nguồn năng lượng sản xuất điện lớn nhất ở Trung Quốc nhưng nước này đang xây dựng hàng trăm nhà máy điện than ở các nước khác.
Mai Anh (t/h)