Năm 2017: Tiếp tục năm cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp

15/02/2017 04:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Vừa qua,  Bộ NN&PTNT tiếp tục lựa chọn 2017 là năm cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Điểm mới của chương trình năm nay, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, là nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

16602051_761769060638467_160529536877123491_o

Toàn cảnh hội nghị

Chưa thể yên tâm
Với chủ đề trọng tâm là tập trung kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), năm 2016, công tác quản lý ATTP của ngành nông nghiệp đã có chuyển biến mạnh mẽ. Cho đến nay, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được kiểm soát khi từ tháng 9/2016 tới thời điểm hiện tại đã có 1.059 mẫu được lấy thử nghiệm nhưng không phát hiện mẫu dương tính với Salbutamol. Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện năm 2016 cũng cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol giảm mạnh so với năm 2015.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), vấn đề còn lo ngại là chưa ngăn chặn, giảm thiểu rõ nét tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm trồng trọt và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Số cơ sở xếp loại C, đặc biệt là cơ sở giết mổ sau tái kiểm chưa đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP còn cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên. Bởi vậy, chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, lưu thông, buôn bán chất cấm, sản phẩm ngoài danh mục được phép lưu hành trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.
Trong khi một số địa phương còn thiếu kiên quyết trong quản lý ATTP, xử lý vi phạm, vấn đề nổi cộm là việc sử dụng chất kích thích sinh trưởng mới tiếp tục được phát hiện. Ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT dẫn chứng, năm 2016, qua thanh tra đã phát hiện việc sử dụng Cysteamine có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi thay thế cho Salbutamol. Tình trạng sử dụng Cysteamine có chiều hướng gia tăng nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn.
Siết chặt quản lý Nhà nước
Tại buổi giao ban trực tuyến với các địa phương vừa qua, Bộ NN&PTNT thông báo tiếp tục chọn năm 2017 là năm cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, toàn ngành sẽ tập trung thanh tra một số nội dung trọng tâm như chất lượng nước mắm, tình trạng bơm tạp chất vào tôm, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy hải sản… Đồng thời tiếp tục rà soát và loại bỏ các loại thuốc BVTV có độc tính không được sử dụng trong danh mục. Mới đây, tháng 1/2017, Bộ NN&PTNT đã đưa chất Cysteamine vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam. Tiếp đó, ngày 8/2, hàng loạt thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat cũng được ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, một trong những điểm mới được Bộ NN&PTNT đưa ra là tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất, trong đó có thanh tra trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế – Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (Tổng cục An ninh – Bộ Công an), kiểm soát ATTP ở các địa phương có quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm, nhưng trên thực tế, chưa thấy trường hợp nào bị xử lý, kỷ luật dù địa bàn phát hiện nhiều vụ việc mất ATTP. Do đó, ở góc độ thanh tra, kiểm tra ATTP phải phát huy được vai trò của người đứng đầu ở các bộ, ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở.
Thiên Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Năm 2017: Tiếp tục năm cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp