– Năm 2018, nhiệt độ của các đại dương tăng lên các mức cao nhất kể từ khi số liệu chính xác bắt đầu được ghi nhận vào những năm 1950 và vượt mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2017.
>>> Thư chúc Tết của Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống
>>> Kiên Giang: Nhiều hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng nhân dịp Xuân 2019
Ảnh minh họa.
Nhiệt độ đại dương sâu xuống 2000 mét, được tính toán dựa trên các số liệu do các thiết bị khác nhau ghi nhận, trong đó có hệ thống thiết bị Argo thả trôi nổi đo nhiệt độ và độ mặn của nước biển.
Bão lốc xoáy nhiệt đới cũng như các cơn bão khác là hiện tượng tự nhiên và chịu tác động của nhiều yếu tố, tuy nhiên các nhà khoa học khẳng định rằng những điều kiện để hình thành những cơn lốc xoáy với mức độ thảm khốc hơn, kéo dài hơn và lượng mưa nhiều hơn, xảy ra thường xuyên hơn là do nhiệt độ của đại dương ấm lên ở mức kỷ lục. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ đại dương tăng là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trái Đất đang ấm lên và đây là mối quan tâm hàng đầu không chỉ đối với giới khoa học mà còn đối với công chúng nói chung.
Một báo cáo được công bố trên tạp chí khoa học Advances in Atherheric Sciences cho biết, năm 2018 là năm các đại dương nóng nhất trong vòng 5 năm qua, đồng nghĩa đại dương ấm lên với tốc độ tăng nhanh kể từ những năm 1990. Thế giới đã phải hứng chịu nhiều cơn bão nhiệt đới lớn, khiến nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế của nhiều nước.
Các nhà khoa học nhấn mạnh sự gia tăng nhiệt độ ở các đại dương càng cho thấy tác động khủng khiếp của các hoạt động của con người làm biến đổi khí hậu. Họ cho rằng, các đại dương hấp thụ phần lớn sức nóng tồn tại trong bầu khí quyển do khí nhà kính phát thải từ các hoạt động của con người. Theo báo cáo của một nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố, nhiệt độ của các đại dương trong năm 2018 tăng lên các mức cao nhất kể từ khi số liệu chính xác bắt đầu được ghi nhận vào những năm 1950 và vượt mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2017.
Bích Thuần (t/h)