– Ngày 23/12, Cục khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) vừa tổ chức Hội thảo giới thiệu lộ trình loại trừ, kết quả khảo sát toàn quốc chất có tiềm năng làm nóng toàn cầu (HFC), tại Hà Nội.
Hội thảo đã đưa ra thảo luận vấn đề loại trừ các chất HFC mà các nước đã thông qua Sửa đổi bổ sung Kigali trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal, lần thứ 28 tổ chức vào tháng 10/2016 tại Kigali (Cộng hòa Ru-an-da).
Theo Sửa đổi Kigali, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện hệ thống cấp phép xuất, nhập khẩu các chất HFC (mới, đã qua sử dụng, tái chế bị kiểm soát), báo cáo số liệu tiêu thụ các chất HFC từ năm 2020 và xác định mức tiêu thụ HFC cơ sở trung bình 3 năm từ 2020 – 2022.
Bên cạnh đó, Sửa đổi Kigali cũng quy định rõ, giai đoạn từ năm 2024 – 2028, lượng sử dụng HFC của các quốc gia đạt đỉnh và không vượt qua mức cơ sở trong kịch bản phát thải thông thường. Từ năm 2029 sẽ loại trừ dần và đến năm 2045 phải loại trừ được 80% lượng sử dụng các chất HFC.
Loại trừ các chất có tiềm năng làm nóng toàn cầu nhằm giảm tác động gây ra băng tan nước biển dâng
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng cục KTTV&BĐKH cho biết: Thực hiện lộ trình Nghị định thư Montreal quy định, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô–dôn , bao gồm các chất HFC được sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp. Các chất HFC không phải chất làm suy giảm tầng ô-dôn nhưng có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu cao. Chính vì vậy, tại Khóa họp các Bên thuộc Nghị định thư Montreal lần thứ 28 vào tháng 10/2016 tại Kigali (Cộng hòa Ru-an-da), các nước đã thông qua Sửa đổi bổ sung Kigali để loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal.
Trên cơ sở các số liệu điều tra khả sát, Cục KTTV&BĐKH sẽ tiến hành đánh giá tác động kĩ thuật khi Việt Nam phê duyệt và thực hiện Sửa đổi bổ sung Kigali của Nghị định thư Montreal. Sau khi có đầy đủ các căn cứ thực tiễn phù hợp với Việt Nam, Bộ TN&MT sẽ xây dựng và trình Chính phủ phê chuẩn.
PV