Ngày 22/10, các nhà khoa học cho biết, một loại nấm đông trùng hạ thảo được đánh giá cao có giá trị hơn vàng và được đặt tên là “Viagra Himalaya” ở châu Á, nơi nó được xem như một loại thần dược, đang trở nên khó tìm thấy do biến đổi khí hậu.
>>>Cảnh giác dịch tả lợn châu Phi áp sát biên giới Việt Nam
>>>Quảng Nam: “Cát tặc” tung hoành trên sông Thu Bồn – (Bài 1): Tại sao cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động?
(Nguồn: healthline)
Nhiều người dân ở Trung Quốc và Nepal đã thiệt mạng trong những năm qua do những cuộc đụng độ liên quan đến loại nấm hiếm yarchagumba, có tên chính thức là Ophiocordyceps sinensis. Tại các nước châu Á, đông trùng hạ thảo được coi là thần dược. Dù khoa học phương Tây chưa chứng minh, người dân vẫn tin loại “thuốc” này chữa được mọi chứng bệnh, từ suy giảm khả năng tình dục đến ung thư. Người ta đun đông trùng hạ thảo trong nước để pha trà hoặc cho vào món canh, món hầm.
Do công dụng “thần kỳ” và khó khai thác, đông trùng hạ thảo vô cùng đắt đỏ. “Đây là một trong những sản phẩm sinh học giá trị nhất thế giới, đem đến nguồn thu đáng kể cho hàng trăm nghìn người thu hoạch”, nhóm nhà khoa học Đại học Stanford viết trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences.
Trong những thập niên gần đây, yarchagumba ngày càng được săn lùng và giá cả cũng tăng vọt, có thể gấp 3 lần giá vàng tại Bắc Kinh.
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến khan hiếm, ngoài nguyên nhân được cho là do việc thu hái quá mức, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu nhiều hơn và họ đã phỏng vấn 48 người thu hái và buôn bán loại nấm quý này. Họ cũng tìm tòi những sách khoa học được công bố trước kia, gồm cả các cuộc phỏng vấn hơn 800 người tại Nepal, Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc để hiểu nguyên nhân sự sụt giảm rõ rệt này.
Các mô hình thời tiết, các nhân tố địa lý và điều kiện môi trường cũng được phân tích để tạo nên bản đồ sản lượng yarchagumba trong khu vực. Báo cáo cho biết, với việc sử dụng các dữ liệu bao trùm 2 thập kỷ và tại 4 nước, các nhà khoa học phát hiện ra rằng sản lượng loại đông trùng hạ thảo này đang giảm khắp nơi.
Báo cáo cho hay: “Trong khi những người thu hái cho rằng việc suy giảm đông trùng hạ thảo là do khai thác mức, nhưng qua đánh giá môi trường sinh sống và sinh sản cho thấy biến đổi khí hậu cũng có thể là một tác nhân.”
Loại nấm có hình nón này chỉ được tìm thấy ở trên độ cao 3.500 m, và thành hình khi loại nấm này kí sinh vào một con sâu bướm, dần dần giết chết vật chủ này. Để phát triển, loài đông trùng hạ thảo này cần khí hậu đặc biệt lạnh với nhiệt độ mùa Đông dưới 0 độ C, nhưng chỉ ở nơi đất không đóng băng vĩnh cửu.
Căn cứ vào nhiệt độ mùa Đông tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian từ 1979 đến 2013 ở phần lớn khu vực, nhất là ở Bhutan, mật độ loại nấm này có thể bị tác động tiêu cực.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thực vật trên cao nguyên Tây Tạng không di chuyển lên phía trên để đáp ứng với thời tiết ấm lên từ năm 2000 đến 2014, điều đó cho thấy đông trùng hạ thảo không thể di chuyển lên núi tới môi trường lạnh hơn khi khí hậu ấm lên và điều đó báo hiệu khó khăn cho những người làm nghề thu hái đông trùng hạ thảo để kiếm sống.
Trước nguy cơ đông trùng hạ thảo tuyệt chủng, các nhà khoa học khuyến cáo con người nên chuyển sang sử dụng các loại thảo dược khác. Ngoài tác động đến môi trường, đông trùng hạ thảo khan hiếm còn gây ra khó khăn về mặt kinh tế và mâu thuẫn giữa những cá nhân sống nhờ nghề thu hái. Năm 2011, 19 người Nepal bị kết án do giết hại một nhóm nông dân trong lúc tranh chấp đông trùng hạ thảo.
Phi Hồng (t/h)