Tin tức - Sự kiện

Nâng cao chất lượng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới

Thanh Thanh 16/01/2025 08:29

Ngày 15/1, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; thường trực các tỉnh ủy, thành ủy; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, và nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý.

z6231452032323_08ee35014aff4f5bb8020cb8669f0e86.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Văn hoá trong Đảng là sự tổng hòa các giá trị truyền thống, tư tưởng, đạo đức, quy tắc, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, cách thức vận hành, hành vi ứng xử của tổ chức Đảng và các đảng viên trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Được hình thành và vun đắp trong lịch sử 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua các kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, kỷ nguyên đổi mới, hội nhập và phát triển, văn hóa trong Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, tiên phong nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lý tưởng cách mạng, đạo đức và phong cách lãnh đạo của Đảng được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối Đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã phân tích, luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn; xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

z6231451239783_01acd465b885a51d14686c9166cf6d2e.jpg
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, văn hóa Đảng là yêu cầu khách quan, là mục tiêu phấn đấu của Đảng, còn “xây dựng văn hóa trong Đảng” là con đường đi tới, đạt tới yêu cầu và mục tiêu đó… Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mà trước hết và quan trọng nhất, văn hóa phải là nền tảng tinh thần của Đảng. Văn hóa trong Đảng là bộ phận của văn hóa dân tộc, kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc lên tầm cao mới.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Hương, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa trong Đảng là văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền - yếu tố cốt lõi, hạt nhân của văn hóa chính trị. Văn hóa trong Đảng là văn hóa tổ chức - “tổ chức chính trị - xã hội đặc thù”. Văn hóa trong Đảng là thực hành, sáng tạo văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền; là văn hóa nhân cách, văn hóa nêu gương…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao công tác chuẩn bị; tinh thần nghiêm túc, khoa học, tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo. Đồng chí khẳng định Hội thảo thực sự là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới, góp phần làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề lý luận và thực tiễn; xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng.

z6231450348111_a7734fdeca8653b60f7d7e2527f1abcf.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận Hội thảo

Cùng với đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể là các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền toàn diện và sâu sắc hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và của Đảng; về vị trí, vai trò, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới.

Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xác định rõ, xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên; có ý nghĩa căn bản, cấp thiết, cần phải được triển khai đồng bộ, khoa học, thường xuyên, liên tục.

Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thi, kết luận, văn bản của Đảng liên quan đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng. Thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng và thực hành phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của đảng viên…

Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp trong triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng. Thu hút sự tham gia, đóng góp hiệu quả hơn nữa của Nhân dân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong công tác xây dựng văn hóa trong Đảng…

Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa trong Đảng, về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Kịp thời biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay và phê phán những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong triển khai nhiệm vụ. Các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, của từng đảng viên…

Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại. Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và kinh tế; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và các đảng chính trị trên thế giới về xây dựng văn hóa chính trị để chắt lọc, ứng dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nâng cao chất lượng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.