Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ các lĩnh vực liên quan, các giáo sư, tiến sỹ đang công tác tai một số Trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, sở, ngành liên quan, Lãnh đạo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, các Hội thành viên của LH Hội Thái Nguyên và đại diện các cở sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm trà Thái Nguyên.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận và các khuyến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm phát triển bền vững cây chè giai đoạn sau năm 2020. Các tham luận đã đi sâu phân tích để làm rõ sự cần thiết phải nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm chè Nguyên; nêu lên những nhân tố tác động đến sự phát triển bền vững của cây chè và giá trị gia tăng của sản phẩm chè Thái Nguyên; những khó khăn, thách thức và lợi thế của việc phát triến bền vững cây chè.
Hội thảo khoa học “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020”
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để tôn vinh cây chè và tiếp tục khẳng định giá trị cao của sản phẩm chè Thái, qua đó, giúp người trồng chè có thu nhập ổn định và đóng góp tích cực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Chè Thái Nguyên là sản phẩm đặc trưng, là cây chủ lực trong ngành nông nghiệp của tỉnh và đem lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương. Sản xuất chè đã đang và sẽ góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiêp hàng hóa bền vững của tỉnh, nhất là có đóng góp lớn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Nhiều nhãn sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và xếp hạng sao theo tiêu chuẩn quốc gia.
Đến hết năm 2020, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trồng chè trên 22 ngàn ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm trên 19 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 123,7 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt gần 250 ngàn tấn, qua chế biến đạt gần 50 ngàn tấn, đã mang lại giá trị từ sản phẩm chè là trên 5400 tỷ đồng, chiếm 43% cơ cấu giá trị ngành trồng trọt, với giá trị bình quân đạt 270 triêu đồng/ha/năm.
UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số: 2200/QĐ-UBND ngày 24/7/2017, phê duyệt đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên giai đoạn 2017- 2020” nhằm tiếp tục nâng cao giá trị, sức cạnh tranh và khẳng định vị thế cây chè trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Hoàng Cường Quốc