(Moitruong.net.vn) – Du lịch cao nguyên đá Hà Giang hướng đến phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ, phát triển du lịch sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà các vấn đề nêu trên chỉ là những khởi đầu ít tốt đẹp…
Ngắm cao nguyên đá từ độ cao 1.200m – cột cờ trên đỉnh Lũng Cú là một trong những đích đến hấp dẫn của du khách khi lên Hà Giang
Cùng với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn được Chính phủ phê duyệt, vừa chính thức công bố tại Hà Giang vào giữa tháng 5/2018, ngành “công nghiệp không khói” đang được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Theo đó, đến năm 2030, du lịch sẽ mang về cho Hà Giang khoảng 5.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế không dễ để đạt mục tiêu này bởi còn nhiều thách thức…
Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn là toàn bộ Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang, có tổng diện tích 232.606ha, trong đó khu vực tập trung phát triển các dịch vụ du lịch rộng khoảng 2.000ha.
Quy hoạch cũng đặt nhiều mục tiêu: Đến năm 2020, khu du lịch sẽ đón 800 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 130 nghìn lượt, đạt doanh thu 1.300 tỷ đồng. Du lịch cũng được kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động trực tiếp vào năm 2020, 8.600 lao động vào năm 2025 và 13.000 lao động vào năm 2030.
Thực tế, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, năm 2017, tỉnh Hà Giang đã thu hút trên 1 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế là 169.689 lượt người, tăng 20% so với năm 2016, tổng doanh thu từ du lịch năm 2017 đạt 913,6 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2016.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch của tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Sử thì không nhiều lạc quan. Ông Sử cho hay, bản thân ông từng trực tiếp “lăn lộn” cùng các đoàn khách trải nghiệm các tour du lịch, trực tiếp quản lý Công viên địa chất Hà Giang và là một trong những người đầu tiên gây dựng làng du lịch cộng đồng Phương Thiện – mô hình làng du lịch tiêu biểu của Hà Giang hiện nay nên ông rất hiểu khách du lịch đến cao nguyên đá. Hiện tại, dù lượng khách đã tăng khá cao nhưng chủ yếu là khách đi phượt, kiểu “du lịch bụi”.
Vùng đặc sản toàn đá với đá, núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành và có đến hơn chục dân tộc sinh sống rải rác khắp cao nguyên rất hấp dẫn với đối tượng khách du lịch này. Nhưng, đây là đối tượng du khách mang về doanh thu không cao, vì với mục đích tự khám phá và trải nghiệm, họ gần như chuẩn bị đủ mọi thứ khi đến cao nguyên, mức chi tiêu rất thấp.
Cao nguyên đá lại khá xa trung tâm. Nếu đi từ Hà Nội lên Hà Giang, khách phải trải qua quãng đường dài khoảng 300km. Từ Hà Giang lên “thủ phủ” và những điểm du lịch nổi tiếng của Mèo Vạc, Đồng Văn mất gần 200km.
Vị trí địa lý như thế nên Hà Giang đã tích cực “trải thảm” mời gọi đầu tư và bản thân ông Sử đã đích thân đưa nhiều nhà đầu tư lớn tới các điểm đến hấp dẫn nhất, nhưng đến nay, chưa có mấy nhà đầu tư mặn mà với cao nguyên đá.
Trong khi đó, du lịch muốn có doanh thu cao luôn đòi hỏi sự hiện diện của các nhà đầu tư như thế. Nếu có các khu du lịch hấp hẫn, đáp ứng đủ cơ sở vật chất thì các dịch vụ ăn theo, việc làm cho người bản địa mới khởi sắc – ông Sử khẳng định.
Theo CAND