Ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng tươi sáng trong năm 2020

Minh Anh (t/h)|05/02/2020 10:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2020 những động thái dịch chuyển về đầu tư, thương mại toàn cầu đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành dệt may.

Năm 2018 ngành dệt may chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay khi kim ngạch xuất khẩu đạt 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017 thì sang năm 2019 ngành bắt đầu có sự giảm tốc. Mặc dù ghi nhận mức tăng 7,55% so với năm 2018 song kết thúc năm 2019, xuất khẩu toàn ngành không đạt 40 tỷ USD như kỳ vọng đầu năm, dừng lại ở mức 39 tỷ USD.

Trong 5 quốc gia XK dệt may lớn nhất thế giới, Trung Quốc giảm 2,3%, Pakistan giảm 4,6%, trong khi Ấn Độ tăng 1,4% và Bangladesh tăng 2, 4%, riêng Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng khoảng 7,5%. Với kim ngạch XK đạt xấp xỉ 39 tỷ USD, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng ngành dệt may vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Mặc dù vậy, cú sốc thị trường năm 2019 đang đặt ra nhiều vấn đề với các doanh nghiệp (DN) trong ngành.

Các đơn hàng XK dệt may kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020

Trong đó, bên cạnh tác động từ tổng cầu giảm, khó khăn lớn hơn với ngành dệt may là xu thế kinh doanh ngắn hạn, phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, đơn hàng đặt ngắn hạn khiến cho các DN khó tối ưu kế hoạch và chi phí dẫn đến hiệu quả suy giảm, cho dù vẫn có tăng trưởng về doanh thu. Cùng với đó là các yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các FTA thế hệ mới, áp lực về lao động và tiền lương do Việt Nam là nước có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, tỷ giá ổn định và không còn lợi thế nhân công rẻ so với các nước cạnh tranh.

Mặc dù kế hoạch của năm 2020 đã được các DN triển khai từ cuối năm 2019 nhưng vẫn phải theo dõi tình hình, diễn biến của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn biến phức tạp. Việc mở rộng các thị trường trong CPTPP trong thời gian qua chưa nhiều nên tiếp tục khai thác. Cùng với đó, cần kết hợp với các khách hàng NK để lựa chọn các mã hàng có thể khai thác được các lợi thế về nguyên phụ liệu.

Bên cạnh đó, đáp ứng các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được như nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế và trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiệm vụ bắt buộc để DN có thể phát triển bền vững.

Ngành dệt may thường có chu kỳ, thường thì cách 1 năm có nhiều đơn hàng, sẽ đến một năm ít đơn hàng. Năm 2020 sẽ là năm dự đoán đơn hàng đổ về Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là các đơn hàng đi thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế từ thị trường, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các DN trong thời gian tới. Bên cạnh đó chú trọng tháo gỡ những nút thắt về nguồn cung nguyên liệu đã và đang bị thiếu hụt, giải quyết tốt các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường là yếu tố tiên quyết để ngành dệt may có thể hưởng lợi từ các FTA.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng tươi sáng trong năm 2020
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.