Ngành điện trong 10 năm tới cần thu hút 150 tỷ USD đầu tư

Minh Nhân|25/11/2020 04:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo tính toán, 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện. Trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực.

Sáng 24/11, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ và chỉ đạo chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển chủ trì, phối hợp với Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực gắn nhiệm vụ công tác của Ban Kinh tế Trung ương hướng dẫn, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 120 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đại sứ quán và tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong nước.

Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề về “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” ngày 24/11, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI), 10 năm tới chúng ta cần thu hút 150 tỉ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1 nửa tổng GDP hiện nay của đất nước. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực. Trong khi đó, thị trường vốn quốc tế rất lớn, hàng chục ngàn tỉ USD, dư sức thỏa mãn nhu cầu vốn của Việt Nam.

Nhưng cũng như các hàng hóa khác, dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, rất chặt chẽ đòi hỏi mọi người tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ.

“Trước khi đi chợ, hiểu biết cách thức hoạt động của chợ là một đòi hỏi khách quan, để không bị hớ khi mua phải những món hàng đắt đỏ, để lại hệ lụy phải trả giá đắt cho mai sau”, ông Đặng Huy Đông nói.

10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1/2 tổng GDP hiện nay của đất nước. Ảnh minh họa.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021 – 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỉ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031 – 2045 là 184,1 tỉ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng.

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

Với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ đô la Mỹ/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.

TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực thi để tuân thủ luật chơi quốc tế là cần phải chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA) vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn, trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế.

Minh Nhân

Bài liên quan
  • Nghiên cứu thử nghiệm mô hình kinh tế đêm vào cuối năm 2020 tại Hà Nội
    Moitruong.net.vn – UBND TP sẽ nghiên cứu chính sách thực hiện một số mô hình thử nghiệm dạng sandbox như: kinh tế đêm, cải tạo nhà chung cư cũ. Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thành phố Hà Nội xây dựng đề án huy động nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành điện trong 10 năm tới cần thu hút 150 tỷ USD đầu tư