Ngành y tế các tỉnh tích cực khắc phục hậu quả sau mưa lũ

An Nhiên (T/h)|07/09/2018 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sở y tế các tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch khắc phục tình trạng thiệt hại cũng như ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh sau mưa lũ như: đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết Dengue…

(Moitruong.net.vn)Đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả sau trận lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn các tỉnh, đang được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội chung tay góp sức để ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, công việc phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ của những người khoác áo blu trắng dường như cũng khẩn trương hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu: Không để dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ.

Thông tin với báo chí, Ông Nguyễn Trung Khải – Giám đốc Sở Y tế Sơn La cho biết: Theo thống kê, trên toàn tỉnh có 1 người chết, 2 người bị thương, 1.521 ngôi nhà bị thiệt hại, 37 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn sau đợt mưa lũ này. Có 4 trạm y tế tại các huyện Mường La, Vân Hồ, Mộc Châu, Phù Yên bị ảnh hưởng đất đá sạt lở, bị ngập nước, một nhà bị tốc mái. Tuy nhiên, trang thiết bị y tế, đồ dùng làm việc cơ bản đã được di chuyển kịp thời, không ảnh hưởng nhiều. Đến thời điểm này chưa có ghi nhận về ca dịch bệnh nào xảy ra sau mưa lũ. Số thuốc men, dịch truyền phục vụ khám, chữa bệnh sau mưa lũ không bị thiếu, đảm bảo đủ cho nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con sau mưa lũ.

Sở Y tế Sơn La đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả sau mưa lũ: Tăng cường công tác thường trực, cấp cứu, khám, điều trị cho người bị thương, bị bệnh do mưa lũ đảm bảo kịp thời; Chủ động thực hiện công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn môi trường nơi ngập úng kéo dài; tăng cường công tác giám sát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sau mưa lũ, nơi có nguy cơ cao.

Còn tại Thanh Hóa, tại tỉnh có 13 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà, nhiều trường học, tuyến đường bị ngập lụt do mưa lũ. Mưa lớn gây ngập tại trạm y tế. Huyện Quan Hóa, các trạm y tế Trung Sơn, Phú Sơn, Phú Lệ bị ngập lụt không liên lạc được, trạm Phú Lệ đường giao thông không đi lại được, mất điện, mất thông tin liên lạc, 3 bộ máy vi tính, tủ bảo quản vắc-xin, tủ lạnh, nồi hấp sấy,… Hiện tại các trạm y tế này vẫn còn ngập chưa thể thống kê hết thiệt hại về tài sản… Trạm y tế xã Thành Tiến đang còn ngập sâu trong nước là 1,5m.

Nhiều công trình nhà vệ sinh hộ gia đình bị ngập nước sẽ là nguồn gây ô nhiễm, lây lan dịch bệnh cộng với các giếng nước của các hộ gia đình cũng bị ngập vì vậy vấn đề nước sạch cần được quan tâm.

Về tình hình dịch bệnh sau ngập lụt: Tính đến ngày 3/9/2018, tại Thanh Hóa hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận 80 ca mắc sốt xuất huyết Dengue phân bố tại 65 xã/ phường/thị trấn thuộc 22 huyện/thị xã/thành phố (trong đó có 31 ca mắc ngoại lai và 49 ca mắc tại địa phương đã ghi nhận). Hiện tại đã ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue tại thôn 6, xã Thành Kim, huyện Thạch Thành với số mắc: 10 ca; trong ngày 01-02/9/2018 tại xã Thành Kim, Thạch Thành đã ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, đồng thời phun hóa chất diệt muỗi dập dịch ở thôn 6 (với 135 hộ gia đình).

Trước tình hình này, lãnh đạo Sở y tế Thanh Hoá đã ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và lũ quét đồng thời lãnh đạo Sở đã trực tiếp đến những nơi xảy ra ngập lụt chỉ đạo hệ thống y tế đáp ứng khẩn cấp với mưa lũ. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tập trung tất cả các lực lượng để hướng dẫn địa phương trong tỉnh xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nguồn nước uống và nước sinh hoạt sau khi nước rút; chủ động phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế.

An Nhiên (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành y tế các tỉnh tích cực khắc phục hậu quả sau mưa lũ