Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy: Phát huy sức mạnh nội lực chống “giặc lửa”

Minh Lâm|04/10/2023 11:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

62 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (04/10/1961 – 04/10/2023) và 22 năm Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (04/10/2001 – 04/10/2023).

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta, thể hiện được tầm quan trọng của công tác PCCC. Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2001, trong đó quy định rõ: Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng đã quy định lấy ngày 4/10 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.

Năm 2013, sau 12 năm thực hiện Luật PCCC, để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 40/2013/QH13 ngày 22/11/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Toàn dân phòng cháy và chữa cháy là hoạt động của đông đảo quần chúng nhân dân có sự lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm thực hiện các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, góp phần đẩy mạnh phong trào quần chúng. Đó cũng chính là ý nghĩa ngày phòng cháy chữa cháy 4/10.

ngay-toan-dan-phong-chay-chua-chay.jpg
Công tác phòng cháy, chữa cháy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội.

Xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy là một biện pháp thường xuyên và lâu dài, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy. Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng cháy chữa cháy, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được Nhà nước giao, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy sẽ tổ chức vận động quần chúng.

Ngoài ra, cũng cần phải căn cứ vào tính chất đặc điểm của cháy, nổ của từng địa bàn, tùy từng điều kiện và hoàn cảnh cũng như trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân ở mỗi khu vực để có hình thức, biện pháp tổ chức vận động sao cho phù hợp.

Chỉ tính trong giai đoạn 2014 - 2020, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH toàn quốc đã phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương tổ chức đăng phát 77.451 tin, bài; phát sóng 9.816 phóng sự, phim tài liệu PCCC; phát hành 5.385.410 băng rôn, khẩu hiệu và 5.259.720 tờ rơi, khuyến cáo về PCCC; in sao, phát hành 10.147 băng, CD tuyên truyền về công tác an toàn PCCC; tổ chức được 258.604 buổi tuyên truyền và huấn luyện PCCC, CNCH cho 12.311.455 lượt người tham gia.

Hiện cả nước có 80.559 đội dân phòng, với 824.184 đội viên; 325.087 đội PCCC cơ sở, với 2.321.061 đội viên; có 460 đội PCCC chuyên ngành, với 8.540 đội viên. Hằng năm, lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đã phối hợp với nhân dân phát hiện và dập tắt trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra hằng năm, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội.

Trải qua hơn 2 thập kỷ thực hiện Ngày toàn dân PCCC, có thể khẳng định hoạt động PCCC của nhân dân đã đi vào nền nếp, có chiều sâu, có hiệu quả; phong trào Toàn dân PCCC phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng, trở thành "cánh tay nối dài" của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH ở cơ sở, khu dân cư và trở thành một bộ phận quan trọng của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy, mỗi người cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của bản thân trong phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, cần trang bị những kiến thức cơ bản khi có cháy nổ, hỏa hoạn.

Để giảm thiểu những vụ cháy nổ xảy ra tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty, hay các hộ gia đình cần trang bị những thiết bị giúp phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, lắp đặt hệ thống chữa cháy, còi báo cháy, kiểm tra hệ thống điện, ổ cắm điện…

Công tác phòng cháy chữa cháy giúp ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất những vụ cháy nổ xảy ra, phát hiện sớm những nguyên nhân gây ra cháy nổ, giúp tránh những trường hợp xấu xảy ra làm thiệt hại người và tài sản của cá nhân và cộng đồng. Ngoài ra, công tác phòng cháy chữa cháy còn giúp ngăn chặn những người có ý đồ xấu, lợi dụng cháy nổ làm những việc trái với pháp luật, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Nếu bạn phát hiện ra những trường hợp đó, hãy báo ngay cho cơ quan cảnh sát để kịp thời xử lý.

PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC mới đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng bình yên, giàu mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy: Phát huy sức mạnh nội lực chống “giặc lửa”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.