Khu tập thể 23 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1958, đến năm 1962 được đưa vào sử dụng. Đây là khu tập thể được phân cho các cán bộ công nhân của ngành bưu điện sau khi về tiếp quản Thủ đô sau ngày giải phóng.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, cả khu có 3 tầng, ở mỗi tầng, các căn hộ sẽ có diện tích từ 10-30m2. Trải qua hơn 60 năm sử dụng, khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều mảng tường bị bong tróc, phần mái vào những ngày mưa dột tứ bề.
Để tăng thêm diện tích sinh hoạt, nhiều hộ gia đình tại đây đã tận dụng khu vực hành lang làm bếp ăn, nhà tắm. Thậm chí, khu vực tầng thượng được một số hộ cơi nới để có thêm diện tích ở, chứa đồ, phơi quần áo, trồng cây cảnh... nên khu tập thể đã cũ kỹ càng thêm xập xệ, quá tải.
Trong khi đó, khu vực hành lang của khu tập thể không hề thấy sự xuất hiện của phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa, hộp cứu hỏa và vòi nước.
Không gian chật hẹp cùng dây điện, cáp quang chằng chịt khiến người dân lo lắng cho công tác phòng cháy chữa cháy nếu không may xảy ra hỏa hoạn.
Sinh sống tại đây hơn 30 năm, bà Nguyễn Thị Hà cho biết do diện tích nhỏ hẹp nên các hộ đều phải dùng chung các tiện ích như nhà tắm, nhà vệ sinh. Có những gia đình 2 - 3 thế hệ sinh sống thì buộc phải cơi nới, cải tạo khu vực hành lang làm nơi chứa đồ, bếp nấu ăn.
“Xuống cấp lắm rồi, dây điện nhằng nhịt, lo lắng nhất là chỉ sợ quá tải chập cháy. Để đảm bảo an toàn, gia đình tôi cũng trang bị thêm bình chữa cháy và thang thoát hiểm, ứng phó trước những tình huống xấu bất ngờ xảy ra. Mong ước lớn nhất của chúng tôi là được cơ quan chức năng quan tâm, sớm có những biện pháp, chính sách để người dân tái định cư tại chỗ hoặc đền bù thỏa đáng để chuyển đi”, bà Hà nói.
Tại căn hộ rộng 20m2 trên tầng thượng của gia đình bà Phạm Hồng Minh tại đây, hễ mưa là dột, nước ngấm vào trần, tường và bong ra từng mảng.
“Hệ thống đường dây điện chạy ngoài hành lang bị ngấm nước mưa rất nguy hiểm. Nếu xảy ra chập cháy điện sẽ không biết xử lý như thế nào vì duy nhất chỉ có một lối thoát hiểm là cầu thang chung và chưa được tập huấn khi có hỏa hoạn. Năm 2004, khu vực tầng thượng xảy ra vụ cháy nghiêm trọng nhưng may mắn được dập tắt kịp thời nên không có thương vong.” - bà Minh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Điều, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Hiện khu tập thể 23 Hàng Bài có hơn 130 cư dân sinh sống, nhiều người muốn chuyển đi nơi khác nhưng chưa có phương án cụ thể hay địa điểm di dời nên đành ở lại”.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ (2-5 tầng), tập trung trong 76 khu với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư.
Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Do đó, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là rất cấp thiết.
Đặc biệt, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại các khu tập thể cũ, mỗi căn hộ cần dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; chủ động trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết.