Khu tập thể Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gần nhiều trường Đại học như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Điện lực, Đại học Giao thông Vận tải. Vì vậy số lượng người lao động, học sinh, sinh viên tập trung đông đúc, nhu cầu thuê phòng trọ, nhà ở cũng rất lớn.
Phần lớn những dãy nhà nhiều tầng mọc lên trong các con ngõ, có đông người lưu trú. Gần như các hướng đều được quây kín bởi hàng rào sắt kiên cố. Nếu xảy ra cháy nổ hậu quá sẽ rất khó lường.
Theo ghi nhận thực tế của PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống -Moitruong.net.vn, hầu hết mỗi dãy nhà khoảng 5-10 tầng, đan xen dày đặc, nằm sát nhau không có khoảng không.
Theo lý giải của một người dân, đa số các căn hộ đều được người dân lắp đặt thêm “chuồng cọp” để dùng làm ban công, nơi chứa đồ, trồng cây cảnh.
Nhiều căn nhà cơi nới cả mét, tận dụng hết mức có thể phần không gian trên. Một khi có hỏa hoạn xảy ra, điều này vô tình trở thành “con dao 2 lưỡi” khiến cư dân không có lối thoát.
Chị Ngân Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nghe tin vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, chị cũng cảm thấy rất lo lắng, bất an cho những khu tập thể cũ. “Những người dân ở đây chỉ có 1 lối ra ngoài là cửa chính. Ở các khoảng không cơi nới thêm, người dân bịt kín hết lại và hàn chết. Khi có hỏa hoạn xảy ra, những chuồng cọp sẽ nhốt cư dân trong khói lửa”, chị Hà nói.
Nhiều công trình tại đây có dấu hiệu xuống cấp, dột nát, không đảm bảo điều kiện sống của dân cư.
Đi sâu vào những con ngõ, những dãy nhà nhiều tầng, nằm san sát nhau cố cơi nới thêm diện tích tràn ra ngoài mặt đường, không chỉ làm không khí ngột ngạt, mà còn gây khó khăn cho công tác chữa cháy nếu xảy ra hỏa hoạn.
Bên cạnh “các lồng sắt”, theo quan sát của PV, nhiều nhà tập thể cao tầng, lớp lớp dây điện, dây cáp viễn thông chằng chịt vắt ngang, đan xen vào nhau thành từng búi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ.
Tại một dãy nhà ở khu tập thể Nghĩa Tân, dây điện chằng chịt bủa vây ngay cạnh các phòng gây nguy cơ cháy nổ rất lớn. Theo bà Đỗ Thị Hậu, 74 tuổi: “Đây là một điều đáng lo ngại vì nhiều người còn chưa nhận thức được những nguy hiểm từ những đoạn dây điện chằng chịt này. Nhiều khu tập thể cũ không đảm bảo, nhưng vì giá rẻ nên mọi người vẫn quyết định thuê, không quan tâm đến những bất cập về phòng chống cháy nổ và các quy định đảm bảo an toàn trong PCCC”.
Điều đáng nói, ngoài các tầng để sinh sống, hầu hết tầng 1 của các dãy nhà nhiều tầng này được sử dụng làm nơi để xe, cũng là vị trí cắm sạc xe máy, xe đạp điện. Bên cạnh đó còn tập kết nhiều vật dụng dễ cháy, dây điện chằng chịt, khó đảm bảo an toàn khi có những sự việc bất ngờ xảy ra.
Tại 1 dãy nhà, bảng hướng dẫn thoát hiểm khi có hỏa hoạn rất chi tiết nhưng bên trong, bình cứu hỏa vẫn chưa được cung cấp.
Những vết tường nứt giữa các căn hộ ngày càng hiện rõ, len lỏi bủa vây “hệ thống chuồng cọp”.
Sống ở khu tập thể Nghĩa Tân đã lâu, ông Nguyễn Đức Hải, 64 tuổi bày tỏ quan điểm trước những bất cập, thiếu an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại đây: “Quy định các hộ dân không được kinh doanh nhưng tình trạng này diễn ra khá phổ biến thời gian qua mà không một cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý. Điều này gia tăng nguy cơ hỏa hoạn”.
Vụ cháy thương tâm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người tại Hà Nội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người, từng cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị về việc đảm bảo phòng cháy, chữa cháy.
Người dân tại đây mong muốn cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng thực hiện các phương án xử lý bất cập, đảm bảo môi trường sống an toàn.